Tên của một số cung điện, công trình thời Lê (phần 1)

Tên của một số cung điện, công trình thời Lê (phần 1)

Mục đích của việc tổng hợp này là để một số bạn có thể tham khảo đem vào trong truyện. Lúc mới đầu mình cũng khá chật vật để tìm hiểu tên các cung lắm nên tổng hợp để mọi người biết thêm.

Cung điện thời Lê
Nguồn ảnh: Hành trình di sản (Thăng Long – Dấu tích ngàn năm) của đài VTV1

● Công trình quan trọng nhất đó là THÁI MIẾU.

Đây là nơi để làm lễ tế, nơi thờ thần chủ bài vị, tượng thờ của các Hoàng đế, Hoàng hậu. Ngoài ra còn là nơi tế cáo trời đất trước khi xuất chinh, làm lễ cáo tiên tổ khi thắng trận.

Một số đoạn chép về điều này:

○ Ngày 22, đúc xong tượng vàng của Thái Tổ và Quốc Thái mẫu, sai nhà sư làm phép điểm nhỡn (vẽ mắt cho tượng) rồi rước vào Thái miếu để thờ rước thần chủ mới và Kim sách đến miếu làm lễ truy tôn. (Thời Lê Thái Tông)

○ Báo tin thắng trận

Tháng 6, đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái miếu.

● Vào thời Lê Thái Tổ.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép, Vua làm điện Vạn Thọ, lại làm Tả điện, Hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính. Ngoài ra còn có điện Càn Đức, Hội Anh

“Trước đó, sau khi thành phục, thần chủ mới của Thái Tổ để ở điện Càn Đức. Mỗi khi ra coi chầu, vua đứng tựa cột bên đông điện Hội Anh.”

● Vào thời Lê Thái Tông.

Ta biết thêm Cần Chính Đường, điện Sơn Lam, Khánh Phương.

○Đón sứ thần Trung Hoa sang chia buồn việc Lê Thái Tổ băng hà. Đến kinh sư, ngày mồng 4 làm lễ tế, cỗ tế đều mang từ đất Bắc sang, rất là thịnh soạn. Vua ra đón ở cửa Thừa Thiên, đưa vào bày lễ tế ở điện Càn Đức.

○ Thiết yến bọn Tế ở Cần Chính đường.

○ Nhâm Tuất, [Đại Bảo] năm thứ 3 [1442], (Minh Chính Thống năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, làm cung điện mới.

○ Tháng 6, sách phong Ngô thị làm Tiệp dư, được ở cung Khánh Phương, tức là Quang Thục Hoàng thái hậu sau này.

○ Điện Sơn Lam bị cháy.

● Thời vua Lê Nhân Tông.

Ta biết thêm cung Cảnh Linh. Thời của Nhân Tông hầu như không xây dựng công trình nào ở Đông Kinh. Trong Đại Việt sử ký toàn cũng có chép Nhân Tông không thích việc hoang phí cho việc xây dựng cung điện.

Chỉ có một số đoạn chép về việc xây dựng ở miếu điện Tây Kinh.

○ Tháng 9, xuống chiếu sai Thái úy Lê Khả đốc suất các cục Bách tác xây dựng miếu điện ở Lam Kinh. Kỷ Tỵ, [Thái Hòa] năm thứ 7 [1449], (Minh Chính Thống năm thứ 4). Miếu điện xây xong.

Năm Diên Ninh, ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định đặt tên hiệu cho các miếu điện ở sơn lăng Lam Sơn. Chánh điện gọi là điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu, hậu điện gọi là Diễn Khánh. Lại sai quân phủ Thanh Hóa làm tẩm cung thờ Thái hoàng thái phi ở phía tây điện lăng Lam Sơn.

○ Tháng ấy bị hạn. Vua thân đến cung Cảnh Linh làm lễ cầu mưa.

● Lệ Đức Hầu Lê Nghi Dân lên ngôi ở Điện Tường Quang.

○ Các quan đại thần họp nhau ở Nghị sự đường để lật Nghi Dân. Còn có sự xuất hiện của Sùng Vũ môn.

● Vào thời Lê Thánh tông

Ta biết thêm điện Thừa Thiên, điện Kính Thiên, điện Cẩn Đức, điện Khánh Thọ, Phụng Nghi đường, điện Đại Thành, Đông vu, Tây vu, điện Canh Phục, nhà Minh Luân, điện Thừa Hoa, điện Bảo Quang, điện Tử Hà, điện Bảo Văn, điện Kim Loan, điện Bảo Quang, tẩm điện Lam Sơn, điện Kinh Diên là nơi vua học.

○ Tháng 3, ngày 11, ban đêm, sét đánh ở cửa điện Thừa Thiên. Ngày 19, vua và các quan bỏ áo triều làm lễ tạ ở điện Thừa Thiên.

○ Xây điện Kính Thiên.

○ Dựng điện Cẩn Đức.

○ Ngày 16, làm lễ Khánh thọ ở điện Cần Chính.

“Trước đây, cứ đến đầu mùa xuân thì làm lễ bao phong các thần ở Thái miếu, xong rồi thì làm lễ Khánh thọ. Đến đây, mới làm lễ Khánh thọ ở điện Cần Chính.”

○ Ngày 27, vua bắt đầu đến Lam Kinh bái yết lăng Lam Kinh. Ngày 29, ngự giá đóng tại hành điện An Bạc. Ban phép tập trận đồ.

○ Ngày 15, xa giá đến hành điện Phi Lai.

○ Khảo thi và sa thải bọn Đông cung thị giảng là Vũ Nguyên Tiềm và Tạ Bửu ở Phụng Nghi đường.

Lê Thánh Tông rất thích xa hoa trong việc xây dựng, nhưng có giai đoạn các công trình phải dừng lại vì mất mùa, đói kém.

“Ra lệnh ngừng việc xây cung thành, vì có nhiều tờ tâu gửi lên, nói là mất mùa, giá gạo cao vọt, cho nên hoãn lại.”

○ Quy định về việc xây hành điện:

“Hành điện gồm 5 gian, 2 chái, nhà bếp mỗi dãy 3 gian, một đài Quan canh ở giữa, cao 5 thước, rộng 40 thước, làm một khu đàn Tiên nông cao 7 thước, rộng 36 thước, 4 mặt đắp tường đất, cùng đi cửa đi ngựa vào. Đều ở xã Hồng Mai, huyện Thanh Đàm.”

Làm điện Đại Thành ở Văn Miếu cùng nhà đông vu, tây vu, điện Canh phục, kho chứa ván in và đồ tế lễ, nhà Minh luân, giảng đường đông tây, nhà bia đông tây, phòng học của sinh viên ba xá, và các cửa, xung quanh xây tường bao.

○ Trước đây, hồi tháng 2, Hoàng thái hậu đi lễ lăng trở về, không may bị bệnh nặng, đến giờ Hợi, ngày 26 tháng 2 nhuận, bặng ở chính tẩm điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi.

○ Ngày Nhâm Tý 30, vua băng ở điện Bảo Quang.

○ Khi còn sống, vua dựng điện Tử Hà, điện Bảo Văn, điện Kim Loan, điện Bảo Quang, tẩm điện Lam Sơn.

○ Thái tử ở Đông Cung

● Về hậu cung của Lê Thánh Tông.

○ Gia Huy Thuần Hoàng hậu ở cung Vĩnh Ninh sau đó chuyển đến cung Trường Lạc.

○ Minh phi Phạm thị được ngự ở Thụy Đức cung. Năm 1497, Lê Thánh Tông băng hà, theo quy chế do là phi tần tiền triều nên bà dời qua Thiên An cung để ở, không lâu sau thì qua đời.

○ Kính Phi Nguyễn thị: Thọ Am cung

○ Tài nhân Nguyễn Thị: Trường Sinh cung

● Thời vua Lê Hiến Tông

Trước kia, vua xây các điện Thượng Dương, Giám Trị, Đồ Trị, Trường Sinh, nơi để nghỉ ngơi, điện để đọc sách và ăn chay. Lại dựng điện Lưu Bôi ở trong cung (đưa nước vào trước thềm điện, gọi là đài Lưu Bôi)

Hiến Tông băng ở điện Đồ Trị.

Nguồn: Sương khói Đông Kinh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *