
Lịch sử các loại hình kiến trúc gỗ một cột ở Đông Á
Bài này thuộc series: Lịch sử các loại hình kiến trúc gỗ một cột ở Đông Á và hình thái kết cấu một cột ở Chùa Dạm của Huyền Tinh Tác Đấu – 懸星作枓.
Loạt nghiên cứu gồm 2 phần chính:
- Lịch sử các loại hình kiến trúc gỗ một cột ở Đông Á
- Hình thái kiến trúc một cột ở Chùa Dạm
Tổng quan về hình thái kiến trúc một cột
Qua các bài viết trước của page về di tích chùa Dạm (Lãm Sơn Tự) ở Bắc Ninh, chúng ta đã biết rằng cột đá chùa Dạm ở tại phía đông tầng nền 2 là một trong những di vật quan trọng còn sót lại từ thời khởi nguyên ngôi chùa, nó vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu và được đặt trong một không gian tổng thể có quy hoạch đăng đối và quy củ của một ngôi chùa thời Lý. Lịch sử nghiên cứu của cột đá chùa Dạm trong vài thập kỷ gần đây đã đưa ra nhiều giả thuyết về chức năng và hình dáng nguyên thủy của kiến trúc này. Tuy nhiên, điểm đồng nhất của rất nhiều các nghiên cứu khảo cổ, nghiên cứu khảo sát hiện trạng và văn bản học từ các nhà nghiên cứu đều cho rằng cột đá chùa Dạm là thành phần phế tích của một loại hình kiến trúc một cột giống như Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu cũng được xây dựng vào thời Lý.

Có thể kể đến như Ngô Văn Doanh, Nguyễn Hùng Vĩ (2001-2011) với sự đo đạc kỹ lưỡng về phế tích hiện còn trên mặt đất, tiếp đến là Viện khảo cổ học qua cuộc khai quật lớn năm 2009. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy, các lớp đá hình sóng núi dưới dân cột đá là một phần của các lớp đá kè chân cột với các lớp đã trên đã bị mất; phần thân cột phía trên đôi rồng xuất hiện nhiều lớp lỗ gồm các lỗ mộng kiến trúc và các lỗ nhỏ có thể mang chức năng trang trí, trong đó các lỗ mộng lớn có thể liên kết các cấu kiện chịu lực chính gồm có 6 lỗ mộng chia đều nhau có mặt cắt hình tam giác đục sâu vào thân cột đá với chiều cao khoảng 36cm, rộng 16cm, sâu 16cm; các lỗ ngàm phụ có chiều rộng khoảng 10cm, sâu ít nhất 3-4cm nằm phía trên các lỗ mộng tam giác khoảng 78cm, gồm các bộ đôi lỗ ngàm cùng hướng với các lỗ mộng tam giác và cách nhau 1 khoảng bằng chiều rộng lỗ tam giác; phần đỉnh cột xuất hiện vết tích một rãnh mộng với mặt cắt hình chữ nhật chạy xuyên tâm theo hướng nam bắc, song song với 2 lỗ mộng hình tam giác phía dưới, có chiều rộng khoảng 23cm, phần cao còn lại 7cm.
Các con số này đưa ra cho chúng ta gợi ý về 1 hệ thống dầm chịu lực lớn có tác dụng nâng đỡ một tải trọng lớn phía trên. Bài viết trước của Huyền Tinh Tác Đấu cũng đưa ra một giải thích về chức năng của cột đá chùa Dạm, nó là một loại hình lầu chuông có tính chất tương đồng với lầu chuông hoa sen 6 cạnh được ghi trong Việt Sử Lược (Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cũng đã từng đề cập đến trong nghiên cứu năm 2009), như vậy phía trên các lớp dầm chịu lực này có thể sẽ bao gồm một đài sen và một tòa lầu. Kết quả khai quật năm 2009 ở chùa Dạm hiện tại chưa thấy dấu tích một đài sen đá 6 cạnh lớn nào mà chỉ có một số vết tích của đài sen nhỏ hình vuông có thể thuộc về một trong 3 cây tháp đá nhỏ được ghi trong Việt Sử Lược, như vậy cả phần đài sen và phần lầu đều có thể là những loại hình kiến trúc gỗ, cần chú ý thêm rằng trong tất cả các dạng mô hình kiến trúc thời Lý – Trần, phần mặt của đài sen cũng chính là phần sàn của công trình phía trên.
Từ những vết tích lỗ mộng của hệ thống dầm còn lại, để tiếp tục đi sâu phỏng dựng hình thức kiến trúc đài sen và tòa lầu phía trên cột đá chùa Dạm, chúng ta cần đi sâu thêm vào nghiên cứu lịch sử, quá trình hình thành các loại hình kiến trúc một cột và các dạng kiến trúc đã ảnh hưởng lên nó, trong đó không thể không nhắc đến một loại hình kiến trúc một cột độc đáo khác có thể có liên quan đến, đó là tháp Cửu Phẩm Liên Hoa và biến thể của nó là chuyển luân tàng.
Note: các bản vẽ sử dụng trong bài viết sẽ giản lược hoặc không thể hiện hết các chi tiếp chốt mộng, khớp nhằm tập trung vào nội dung phần được viết.
Về kiến trúc gỗ một cột Á Đông

Như chúng ta biết rằng, kiến trúc thời Lý cùng với những sự phát triển nội sinh và độc đáo thì bản thân nó cũng đã kế thừa và mang nhiều ảnh hưởng của kiến trúc Trung Quốc dưới thời Đường-Tống và thậm chí bảo lưu nhiều phong cách cổ xưa hơn nữa. Trong bất cứ hình thức kiến trúc nào, việc nghiên cứu so sánh quá trình chuyển hóa của nó với kiến trúc Trung Quốc hay trong bối cảnh của cả khu vực Đông Á – Đông Nam Á đều là những phương pháp tiếp cận hiệu quả và cần thiết. Dấu vết những lỗ mộng và rãnh dầm trên đầu cột đá chùa Dạm đã cho chúng ta những gợi ý ban đầu về các tổ hợp dầm đỡ, nhưng để dần hoàn thiện và có hình dung cụ thể hơn về nó, chúng ta không thể không tham khảo các hình thức kiến trúc gỗ một cột trước đó và sau này ở khu vực.
Kiến trúc gỗ một cột từng xuất hiện khá sớm trong lịch sử Trung Quốc.
Sách “Bác Vật Chí” do Trương Hoa (张华, 232 – 300) thời Tây Tấn biên soạn cho biết: “Giang lăng có một cái đài rất lớn nhưng chỉ có duy nhất một cột, các xà đều chung cột này. Người đời sau ở đó gọi là mộc lí quán hoặc nhất trụ quán” (Nguyên gốc “江陵有台甚大,而惟一柱,众梁皆共此柱 .后土人呼为木屐观,或曰一柱观”)
Nội dung này còn được Lê Qúy Đôn trích lại trong “Vân Đài Loại Ngữ” (1773), đồng thời cho biết thêm:
“Sách Chư cung cố sự (thời Đường) chép: Lâm xuyên vương Nghĩa Khánh ( (403-444) đời Tống (Nam Bắc Triều) lúc ở trấn (Giang Lăng) có dựng một cái quán rất lớn ở bãi La-công mà chỉ có một cây cột. Xem đấy thì người xưa đã háo kỳ (chuộng lạ). Nước Việt ta, ở phía tây đô thành Thăng Long có ngôi chùa Diên Hựu dựng lên từ đời nhà Lý, đầu niên hiệu Long phù (1101) đời vua Lý Nhân Tông có trùng tu, cũng chỉ có một cây cột.” [Bản dịch Tạ Quang Phát -1973]
Những thông tin này cho biết ở Giang Lăng (nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc) từng tồn tại một cái đài có một cột vào thời Tây Tấn, đến thời Lưu Tống có thể xây thêm một quán với hình thức tương tự, hoặc dựng lại công trình này. Nhất Trụ Quán trở thành 1 danh thắng đặc biệt ở Giang Lăng được nhiều thi sỹ ghé qua và nhắc đến. Có thể kể đến Âm Khanh (阴铿 511-563), thi sỹ nhà Lương và nhà Trần với tác phẩm Vãn Bạc Ngũ Châu Thi (晚泊五洲诗): “Diêu liên nhất trụ quán. Dục khinh thiên lý phong” (Xa thương quán Nhất Trụ, nhẹ mong gió dặm ngàn)
Đỗ Phủ (杜甫 712-770) thời Đường cũng có nhiều bài thơ viết về Nhất Trụ Quán trong thời gian ông phiêu bạc ở Kinh Châu, như Bạc Tùng Tư giang đình (泊松滋江亭) hoặc Sở tư ( 所思):
“Khổ ức Kinh Châu tuý tư mã, Trích quan tôn tửu định thường khai.
Cửu giang nhật lạc tỉnh hà xứ? Nhất Trụ quán đầu miên kỷ hồi.”
(“Kinh Châu tư mã vẫn say sưa, bị đổi đến nơi chai chẳng chừa. Ngày cuối Cửu giang say khướt đó,
mấy lần Nhất Trụ quán nằm vừa.” – bản dịch Nguyễn Công Tuấn thivien.net)
Hay trong “Du Châu sĩ Nghiêm lục thị ngự bất đáo, tiên há giáp” miêu tả “Thuyền kinh Nhất Trụ quán,
Lưu nhãn cộng đăng lâm” (“Thuyền về Nhất Trụ thong dong. Trời cao tít tắp còn trong mắt nhìn” – bản dịch Chi Nguyen – thivien.net)
Những bài thơ này cho ta biết loại công trình này vẫn tồn tại đến đầu thời Đường, nó nằm trên một bãi đất ven sông. Và qua các thời Tống, Minh, Thanh, công trình có thể đã được di dời tới Tùng Tử (cũng thuộc Kinh Châu cách Giang Lăng không xa) nhưng đây vẫn là địa điểm ưa thích của nhiều thi sỹ tìm đến và ngâm thơ. Một trong những tác phẩm muộn nhất của Lưu Dụng Tân (刘用宾) vào thời Thanh đã ca ngợi khung cảnh của kiến trúc này qua bài “Nhất Trụ Bồng Lai”(一柱蓬莱): “bồng lai tại vọng nghiễm tiên cư, nhất trụ chi trì tận hữu dư. Độc lập kình thiên bằng thực địa, không trung lâu các mạn tương như.”
Chúng ta không biết công trình này đã bị hủy hoại cụ thể vào thời gian nào tuy nhiên đến nay thì không còn nữa. Dù những thông tin trên cũng chưa đủ để biết cụ thể về hình thái và kết cấu kiến trúc của công trình này, chỉ biết nó đã tồn tại từ trước khi được ghi chép vào thời Tây Tấn ở Giang Lăng và được dựng lại hoặc di dời qua nhiều thời kỳ sau này, nhưng nó cung cấp cho chúng ta về sự tồn tại một loại hình công trình gỗ có một cột và các xà đều được cắm vào cột này, công trình cũng đủ lớn để con người hoạt động bên trong.
Về các hình dung cụ thể hơn thì sớm hơn nữa, trước thời Tiền Tấn, trong nhiều ngôi mộ hoặc các di tích thời Đông Hán xuất hiện nhiều hiện vật miêu tả các loại hình kiến trúc gỗ một cột khác nhau.
Trong đó chiếm số lượng khá lớn là các loại thủy lâu nằm ven sông hồ, địa điểm khá giống với Nhất Trụ Quán kể trên, tuy nhiên về hình thức kết cấu được vẽ lại thì có phần hơi khó thực thi nếu chưa thể hiểu hết các kỹ thuật xây dựng thời kỳ đó. Các công trình này có phần lầu nằm lệch về 1 phía so với 1 cột chính ở dưới mặt đất hoặc mặt nước, được hỗ trợ bởi các đấu củng xiên chéo hoặc cong, có kích thước lớn và các dầm ngang đặt phía trên cột, cùng liên kết với cầu thang đi lên ở một phía (cũng nên chú ý rằng, phương pháp sử dùng dầm chéo chống đỡ dầm ngang kết hợp với đấu củng để đỡ sàn hoặc mái cũng là một kỹ thuật cổ rất phổ biến dưới thời Hán). Loại kiến trúc này sẽ khả năng thực thi hơn nếu cần cầu thang là cố định và được xây dựng chắc chắn để cân bằng với phần lầu nằm lệch ở phía trên.
Một số dạng kiến trúc một cột khác có hình thức kết cấu hợp lý và dễ thực thi hơn với phần lầu phía trên nằm chính giữa và 2 cầu thang ở 2 bên. Hình thức kiến trúc một cột được khắc trên đá tìm thấy ở Quảng Hán, Tứ Xuyên thể hiện dạng lầu các 2 tầng với một cột xuyên từ dưới lên đến nóc mái và tầng trên có đặt trống. Một hình thức khác được tìm thấy ở Đồng Sơn, Giang Tô thể hiện dạng lầu với cầu thang 2 bên có mái che, toàn bộ lầu được đỡ bởi hệ thống đấu củng phức tạp nằm trên một trụ ngắn.
Một mô hình nhà thời Đông Hán trưng bày tại Bảo Tàng tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cũng thể hiện 1 dạng kiến trúc lầu các có 1 cột trụ chính ở dưới đất, đỡ lấy các tầng đấu củng, 4 góc được hỗ trợ thêm bởi lan can.
Mặc dù cho đến nay, Trung Quốc không còn tồn tại các dạng lầu các một cột nào, tuy vậy ta biết rằng lịch sử Trung Quốc đã từng tồn tại đa dạng các loại hình kiến trúc một cột, trong đó phổ biến có loại hình thủy lâu, về hình thức cấu tạo, các công trình này thường có một cột dưới đất, có hệ thống đấu củng hoặc các loại dầm ngang, chống chéo kết hợp với nhau để hỗ trợ kiến trúc phía trên, ngoài ra còn có cầu thang đi lên.
Tham khảo:
Nhất Trụ Quán khảo (一柱观考)– Chu Hậu Khoan (朱厚宽)
Pillars of Heaven: The Symbolic Function of Column and Bracket Sets in the Han Dynasty , by JING XIE
漢畫像中的亭榭建築研究 – 李亞利 滕銘予(吉林大學邊疆考古研究中心)
Chú thích
Hình 1, 2, 3, 4: Tranh khắc thể hiện một số thủy lâu thời Hán: 1,3 – Vi Sơn, Sơn Đông. 2 – Trâu Thành, Sơn Đông. 4 – Tảo Trang, Sơn Đông. Nguồn ảnh 李亚利 滕铭予
Hình 5: Tranh khắc tìm thấy ở Đồng Sơn, Giang Tô. Nguồn Pillars of Heaven, The Symbolic Function of Column and Bracket Sets in the Han Dynasty by JING XIE
Hình 6: Hình khắc trên viên gạch khai quật ở Quảng Hán, Tứ Xuyên. Nguồn 四川出土“酒肆”画像砖 – 解读
Hình 7: Mô hình lầu các thời Đông Hán khai quật năm 1972 tại Hà Nam với hệ thống đỡ sàn bằng dầm chéo, dầm ngang và đấu củng. Nguồn ảnh: Tạp chí Civilization (文明) số 11/2011
Hình 8: Mô hình lầu các thời Đông Hán tại Bảo Tầng Hà Nam, Trung Quốc.
Nguồn ảnh: Bảo tàng Hà Nam, Trung Quốc
Kiến trúc một cột trục xoay ở Đông Á

Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, trên thực tế không chỉ có Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu hay cột đá chùa Dạm là dạng kiến trúc gỗ một cột mà còn tồn tại một dạng kiến trúc một cột khác có quy mô nhỏ hơn, có khả năng xoay được nhờ sử dụng kỹ thuật trục xoay hai điểm tựa, đó là các tháp Cửu Phẩm Liên Hoa như ở chùa Bút Tháp, chùa Giám và chùa Đồng Ngọ. Kỹ thuật này bắt nguồn từ kỹ thuật xây dựng các giá chứa kinh gọi là luân tàng ở Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam dưới thời Lý.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Lược, năm 1021 vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng Bát giác kinh tàng để chứa Tam tạng kinh (Đại tạng kinh, đạo tạng kinh) sau khi Nguyễn Đạo Thanh đi sứ nhà Tống mang về. Bát Giác Kinh Tàng này có thể đã có liên hệ mật thiết với một loại hình kiến trúc nở rộ vào thời gian đó của khu vực Đông Á để chứa các bộ kinh kể trên, đó là “Chuyển luân kinh tàng”, được ghi chép lại trong “Doanh tạo Pháp thức” của Lý Giới (1065–1110).
Tiến sỹ Phạm Lê Huy (ĐH KHXH&NV) và Phạm Văn Triệu (viện khảo cổ học) đã từng có 2 bài viết nghiên cứu khá sâu về sự phát triển của loại hình kiến trúc này đối với sự phát triển của các loại hình kiến trúc một cột và một cột trục xoay, đó là “Dấu tích kiến trúc bát giác thời Lý tại Hoàng Thành Thăng Long: tư liệu và nghiên cứu”, cùng với “Kiến trúc một cột và trục xoaythời Lý đặt trong bối cảnh kiến trúc Đông Á. Hướng đến giải mã các kiến trúc trục xoay phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long”, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin tóm tắt một số ý chính và bổ sung thêm một số tư liệu về các hình thức kiến trúc đang được đề cập tới.
Theo đó, Chuyển luân kinh tàng mà Lý Giới miêu tả, là loại giá chứa hinh có mặt bằng tổng thể hình bát giác, cao 2 trượng (khoảng 6,14m) , đường kính khoảng 4,19m gồm 2 lớp khung cột đồng tâm có kết cấu trục xoay ở chính tâm; các lớp khung cột cố định bên ngoài và bên trong này vừa có chức năng mô phỏng một mô hình kết cấu gỗ, với hệ thống đấu củng, mái, lan can, bình tọa và các tầng thiên cung lầu các phía trên, vừa tạo thành một bộ khung giá để giữ ổn định trụ xuyên tâm ở giữa. Cấu trúc giá kinh ở giữa có thể quay được nhờ vào trụ xuyên tâm này, 1 đầu dưới đất đặt trên một cấu kiện tương tự như cối cửa và đầu trên neo vào bộ khung giá. Từ trụ xuyên tâm này bố trí 8 lớp tay đòn từ dưới lên trên, mỗi lớp có 16 tay đòn tỏa ra tạo thành bộ khung giá chứa kinh 16 cạnh, 7 tầng với tổng cộng 7×16=112 hòm chứa kinh.
Lịch sử chuyển luần tàng đã xuất hiện từ sớm hơn nữa. Loại hình kiến trúc này được cho là xuất hiện từ thế kỷ 6, dưới thời Lương (Nam Triều) do Phó Đại Sĩ (傅大士 497-569) phát minh, sách Thiện Huệ Đại sĩ lục do Lâu Dĩnh thời Đường biên soạn cho biết:
“Đại sĩ ngày thường thấy kinh sách quá nhiều, người ta không thể đọc hết, nên mới vào núi xây một cái khám lớn có một cột tám mặt, bên trong chứa kinh, vận hành chẳng vấp, gọi là “luân tàng”. (Đại sĩ) bèn có lời nguyện: “môn giả nào lên kinh tàng của ta, đời đời kiếp kiếp không mất nhục thân. Người đời theo giáo hóa, phát tâm bồ đề, tuy chí thành nhưng lực kiệt, thì có thể xoay luân tàng, bất kể mấy vòng, là người đó có công đức không khác gì trì tụng chư kinh” [Dịch: Phạm Lê Huy]
Dưới thời Đường cũng xuất hiện nhiều ghi chép nhắc đến việc xây dựng luân tàng, trong đó có thể kể đến Thiên Phật đường Chuyển luân kinh tàng thạch ký của Bạch Cự Dị (722-846):
“(Thiên Phật đường) làm vào mùa thu năm Thái Hòa thứ 2 (828), đến mùa xuân năm Khai Thành nguyên niên (836) thì hoàn thành. Phí tổn xây Phật đường tính ra vạn quan tiền, phí tổn cho kinh tàng cùng kinh sách ba nghìn sáu trăm. Bên trong Phật đường, trên có lọng che dưới có kinh tàng. Giữa lọng che và kinh tàng có khám thờ nghìn Phật chín tầng chuyển động, tô vẽ màu kim bích để làm trang trí. Quanh kinh tàng treo sáu mươi hai cái gương. Kinh tàng có tám mặt, mở hai cửa,có đồng sắt sơn đỏ để cố định. Quanh kinh tàng đặt 64 chỗ ngồi. Bên trong kinh tàng dùng vòng xoay (“luân”) để chuyển động, dùng thắng gỗ (“ninh”) để bắt ngừng.” [Dịch: Phạm Lê Huy]
Phương pháp xây dựng luân tàng để chứa kinh tiếp tục nở rộ dưới thời Tống và lan tỏa ra nhiều nước khác trong khu vực trong đó có Nhật Bản, Cao Ly và Đại Việt.
Chuyển luân tàng cổ nhất còn tồn tại ở Trung Quốc nằm ở chùa Long Hưng (隆兴寺) thuộc tỉnh Hà Bắc được xây dựng dưới thời Bắc Tống. Hình thức và phương pháp xây dựng lại có phần khác so với Chuyển luân tàng ghi chép trong Doanh tạo Pháp Thức cùng thời kỳ.
Nếu như chuyển luân tàng trong Doanh tạo Pháp Thức có phần lâu thức được tạo bởi 2 vòng cột là cố định và giá sách chỉ đơn giản là tủ kệ ở phía trong được gắn vào 1 trụ xuyên tâm chính giữa thì ở chùa Long Hưng, toàn bộ Chuyển luân tàng gồm lầu thức với 2 vòng cột, mái, bệ, lan can đều gắn trên cột trung tâm. Cột trung tâm này 1 đầu đặt trên cối xoay dưới mặt đất và 1 đầu neo trên sàn của tòa điện bao quanh. Từ phần dưới cột trung tâm có các đòn chéo đưa lên kết hợp với 2 lớp dầm ngang để đỡ bệ và sàn. Phần thân với vòng cột phía trong là 1 hệ thống kết cấu ẩn (ngày nay đã lộ ra) với các tay đòn so le nhau nằm trên các cao độ khác nhau cắm vào cột trung tâm và 1 đầu liên kết các các vòng cột phía trong phân ra thành các vách chứa. Phần giữa vòng cột bên ngoài và bên trong tạo thành 1 không gian giống như hiên của lâu thức. Hình thức này đã biến Chuyển luân tàng ở chùa Long Hưng thành 1 kiến trúc dạng lầu được neo hoàn toàn trên 1 cột trung tâm.
Tham khảo
Phạm Lê Huy, Phạm Văn Triệu – “Dấu tích kiến trúc bát giác thời Lý tại Hoàng Thành Thăng Long: tư liệu và nghiên cứu”, “Kiến trúc một cột và trục xoay thời Lý đặt trong bối cảnh kiến trúc Đông Á. Hướng đến giải mã các kiến trúc trục xoay phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long”
Di Luo – “A Grain of Sand: Yingzao Fashi and the Miniaturization of Chinese Architecture”
中日转轮藏建筑形制的考古学研究 – 俞莉娜 (北京大学中国考古学研究中心)
Chú thích:
Hình 1: Bản vẽ mặt cắt phục dựng Chuyển luân Kinh Tàng trong Doanh Tạo Pháp Thức (Pan and He – 2005)
Hình 2: Bản vẽ mặt cắt Chuyển luân tàng chùa Long Hưng của Chen Mingda 陳明達 (2010)
Hình 3: Bản vẽ mặt cắt Chuyển luân tàng Chùa Báo Ân
Hình 4: Chuyển luân tàng chùa Long Hưng. Ảnh Di Luo
Hình 5: Chuyên Luân Tàng chùa Long Hưng năm 1920. Nguồn Tokiwa and Sekino 1940
Hình 6: Chuyển luân tàng chùa Báo Ân xây dựng năm 1446 chùa Báo Ân (Bình Vũ, Tứ Xuyên). Ảnh betm.org.cn
Hình 7: Bản vẽ chuyển luân kinh tàng trong Doanh tạo pháp thức
Kiến trúc một cột trục xoay ở Nhật Bản

Dưới thời Tống cũng xuất hiện một số mô hình luân tàng cố định bằng đá mô phỏng các luân tàng gỗ, trong đó đáng chú ý là các luân tàng trong hang núi ở Đại Túc, Trùng Khánh. Luân tàng đá ở hang 136 núi Bắc Sơn có lòng rỗng, phần đế mô phỏng núi tu di, với một con rồng đội tòa sen, phía trên đài sen mô phỏng một lầu bát giác với 8 cột chạm khắc rồng và 1 cột ở trung tâm, trên mái điêu khắc thiên cung lầu gác nối thẳng vào trần của động.
Sang đến Nhật Bản, dạng lâu thức 1 cột trục xoay giống như tại chùa Long Hưng đã được nói đến ở phần trước còn được thấy trong “Ngũ sơn thập sát đồ” do nhà sư Nhật Bản Tettsu Gikai 徹通義介 biên soạn (1219-1309) trong quá trình sang Trung Quốc khảo sát các tự viện ở Nam Tống để đem về áp dụng cho Nhật Bản.
Theo bản vẽ này, Chuyển luân tàng cũng là dạng lâu thức neo trên 1 cột trung tâm, phần bệ và sàn được đỡ bởi các lớp dầm chống chéo và dầm dang so le nhau. Phần thân với 3 vòng cột, vòng phía trong liên kết trực tiếp với cột trung tâm được ẩn phía trong tạo thành bộ khung chính cho dạng lâu thức, vòng giữa tạo thành các ngăn chứa kinh sách và vòng ngoài cùng tạo thành hàng hiên, phía trên là hệ thống thiên cung lầu gác, phía dưới khắc tượng các thần tướng đang xoay chuyển luân kinh tàng, hình thức khá giống với chuyển luân tàng đá ở núi Bảo Đỉnh (Đại Túc, Trùng Khánh). Đầu dưới cột trung tâm đặt trên cối xoay và đầu trên neo vào bộ khung giá bên ngoài.
Các chuẩn luân tàng của Nhật Bản (được gọi là Rinzou 輪蔵)còn lại đến bây giờ chỉ có niên đại từ đầu thế kỷ 15, tuy nhiên phần lớn đều theo dạng lâu thức kể trên được du nhập vào từ thời Tống. Một số chuyển luân tàng còn đặt các tượng thần tướng phía dưới bệ. Cũng từ thế kỷ 17, Nhật Bản xuất hiện thêm 1 số dạng luân tàng không có phần bệ phía dưới mà để lộ các kết cấu với hệ thống đấu củng chống đỡ.
Ngoài dạng kiến trúc gỗ một cột trục xoay kể trên, cùng với các dạng đèn đá (sẽ được nói đến ở các kỳ sau), Nhật Bản còn xuất hiện 1 loại hình kiến trúc một cột cố định nữa được gọi là Tán Đường (傘堂) tại Katsuragi, Nara được xây dựng năm 1674 để tượng niệm 1 vĩ lãnh chúa. Công trình này không có lầu mà chỉ có mái rộng hình vuông, được đỡ bởi một cây cột hình vuông mỗi cạnh 40cm cắm sâu xuống dưới mặt đất, trên đỉnh cột ở phía Đông có 1 khám nhỏ được khoét thẳng vào trong cột để đặt tượng Phật A di đà, phía Bắc có dựng thêm 1 cột phụ để bắc xà đâm vào cột chính để treo một chiếc chuông (nay đã không còn treo chuông), bộ mái lớn được đỡ phải 2 lớp xà ngang chồng lên nhau cắm trên thân cột chính. Như vậy kiến trúc này vừa có vai trò như một đài tưởng niệm, vừa là một khám thờ và nhà treo chuông.
Chú thích:
Hình 1: Chuyển luân kinh tàng đá trong động 136 núi Bắc Sơn, Đại Túc. Nguồn 重庆发布
Hình 2: Chuyển luân tàng đá ở hang số 14 núi Bảo Đỉnh (Đại Túc, Trùng Khánh). Ảnh 劉江嶺
Hình 3: Bản vẽ Luân tàng trong Ngũ sơn Thập sát đồ
Hình 4: Luân tàng chùa Myōshin-ji ( Diệu tâm tự 妙心寺 – cuối thế kỷ 17). Ảnh ameblo.jp
Hình 5: Luân Tàng chùa Mii-dera (Viên Thành Tự 園城寺, đầu thế kỷ 15), tỉnh Shega, Nhật Bản. Nguồn montsaintmichelさん
Hình 6: Tán Đường ở Nara, Nhật Bản( ẢNh やっちゃん) và Khám thờ trên đầu cột của Tán Đường. (Ảnh Kenji Sugisaki)
Tham khảo:
– Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý (Nguyễn Văn Đáp -2019)
– Quan sát cột đá “chùa Một Cột” ở chùa Dạm (Nguyễn Hùng Vĩ-1999)
-Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm (Nguyễn Hùng Vĩ – 2009)
-Cột đá chùa Dạm có phải là Linga (Trần Trọng Dương-2012)
——
Nội dung bài viết: Nguyễn Duy
3d: Nguyễn Duy
Trình bày: Hiệu Sicula
——
Xin cảm ơn các nhà nghiên cứu như Phạm Lê Huy, Trần Trọng Dương, Nguyễn Anh Tuấn đã có 1 số góp ý và trao đổi trong quá trình nghiên cứu của nhóm.
Nguồn: Huyền Tinh Tác Đấu
Tiêu đề gốc: LỊCH SỬ CÁC LOẠI HÌNH KIẾN TRÚC GỖ MỘT CỘT Ở ĐÔNG Á VÀ HÌNH THÁI KẾT CẤU KIẾN TRÚC MỘT CỘT Ở CHÙA DẠM