
Hình thái kiến trúc một cột ở Chùa Dạm
Bài này thuộc series: Lịch sử các loại hình kiến trúc gỗ một cột ở Đông Á và hình thái kết cấu một cột ở Chùa Dạm của Huyền Tinh Tác Đấu – 懸星作枓.
Loạt nghiên cứu gồm 2 phần chính:
- Lịch sử các loại hình kiến trúc gỗ một cột ở Đông Á
- Hình thái kiến trúc một cột ở Chùa Dạm
Như đã nói ở bài trước, năm 1021 là thời điểm sớm nhất được ghi lại về việc nhà Lý cho xây dựng một kiến trúc dạng trục xoay là Bát giác kinh tàng. Kể từ sau đó, các ghi chép về thời Lý cho thấy sự xuất hiện hàng loạt các dạng kiến trúc một cột bao gồm cố định và có trục xoay.
Với dạng kiến trúc một cột cố định, ngoài Liên Hoa Đài xây dựng năm 1049 do Lý Thái Tông xây dựng ở chùa Diên Hựu, trùng tu lớn năm 1101, còn thấy có xuất sự hiện của Độc trụ lục giác liên hoa chung lâu xây phía trước điện Linh Quang vào năm 1058 (Việt Sử lược).

Hình 1: Bản bóc tách hình thái bệ sen trên cột đá chùa Dạm
Hình 2: toàn bộ kết cấu khung kiến trúc một cột của chùa Dạm
Hình 3: Bản bóc tách phần kiến trúc lầu
Kiến trúc một cột trục xoay ở Việt Nam
Về dạng kiến trúc một cột trục xoay, đáng chú ý có các kiến trúc được xây dựng trong hội đèn Quảng Chiếu được ghi chép trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh 1121:
“Xây đài đèn Quảng Chiếu; hướng sân trước Đoan Môn. Trong nêu một cột, ngoài đặt bảy tầng. Uốn hình cung nâng lấy sen vàng; may lồng nhiễu che ngọn lạp. Giấu cơ vi ở dưới đất, quay vòng như bánh xe; rực ánh sáng ở giữa trời, như bóng ác chói trang.” [Bản dịch của Phạm Lê Huy).
Cũng cần chú ý rằng, đây không phải là đài đèn Quảng Chiếu duy nhất được xây dựng dưới thời Lý, Việt Sử Lược và Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chép về các lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vào các năm 1110, 1116, 1120, 1126 (2 lần), 1165, 1195 tại các địa điểm như trước cửa Đại Hưng, Long Trì.
Tiếp đến năm 1123, Lý Nhân Tông cho xây dựng Thôi Luân Vũ Xá là một dạng sân khấu có thể xoay tròn, cho các cung nữ múa bên trên để rót rượu.
Qua những ghi chép này ta thấy rằng nhá Lý đã áp dụng triệt để các kỹ thuật xây dựng kiến trúc dạng lầu thức có một cột tiếp đất để xây dựng các kiến trúc một cột cố định và kiến trúc xoay được.
Trên thực tế, ngoài Liên Hoa Đài của chùa Diên Hựu và cột đá chùa Dạm là những công trình kiến trúc một cột có niên đại khởi dựng từ thời Lý để lại, khu vực khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long còn xuất lộ 2 cụm di tích tại khu E và khu G có xuất hiện các cối xoay của các kiến trúc trục xoay, trong đó có cụm kiến trúc tại khu G được cho là có liên hệ mật thiết đến các lễ hội đèn Quảng Chiếu.
(có thể xem lại tại Vĩnh Định Trụ và Bình Toạ – một phương pháp kiến tạo mặt bằng thời Lý)

Chú thích:
Hình 1: Vị trí, hiện trạng và quy mô di tích trục xoay KT02 tại khu G. Nguồn Tư liệu Viện Khảo cổ học
Hình 2: Khối đá trung tâm (cối xoay) của di tích KT02
Hình 3: Cửu phẩm liên hoa chùa Giám
Hình 4: Kết cấu phía trong Cửu Phẩm Liên Hoa Chùa Giám
Hình 5: Kết cấu phía trong Cửu phẩm liên Hoa chùa Đồng Ngọ
Hình 6: Mặt cắt kết cấu gỗ Chuyển luân tàng chùa Long Hưng
Hình 7: Kết cấu đỡ bệ của chuyển luân tàng chùa Long Hưng
Mối liên hệ giữa đài đèn Quảng Chiếu và cột đá chùa Dạm với các chuyển luân tàng ngoài về kỹ thuật là các dạng kiến trúc một cột hoặc có trục xoay, ta còn thấy sự liên kết giữa tính biểu tượng hoặc trang trí, đó là sự tồn tại của phần bệ được trang trí mô phỏng núi tu di, phía trên có rồng đỡ lấy tòa sen.
Ngoài thời Lý, đến nay Việt Nam còn tồn tại các tháp Cửu Phẩm Liên Hoa gỗ cũng là những kiến trúc một cột trục xoay ở các chùa Bút Tháp, chùa Đồng Ngọ và chùa Giám được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17-18, trong đó tháp ở chùa Đồng Ngọ và chùa Giám có 6 cạnh còn tháp ở chùa Bút Tháp có 8 cạnh. Kỹ thuật xây dựng các tháp cửu phẩm này mang nét ảnh hưởng rõ rệt từ các kỹ thuật xây dựng Chuyển luân tàng với một đầu dưới đất đặt trên một cối xoay, phía trên neo vào cấu kiện của tòa kiến trúc chứa tháp cửu phẩm. Lớn nhất trong số này là tòa Cửu Phẩm ở chùa Giám còn thể hiện những kỹ thuật khá tương đồng với chuyển luân tạng của chùa Đông Hưng (Trung Quốc) và Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu như có 2 vòng cột ngoài cột trung tâm (vòng ngoài cùng cấu tạo bởi các con tiện), sử dụng các lớp dầm ngang so le nhau đâm xuyên qua, 2 đầu dầm giữ các cột phía trong và có dầm chống chéo hỗ trợ, phần kết cấu bên trong được phần bệ và các hình thức trang trí bao phủ bên ngoài che khuất, bệ sen gỗ và đế rỗng lòng được gắn trên các cột gỗ ở vòng ngoài bởi 1 thanh dầm ngắn cắm vào cột vòng ngoài. Hình thức tương tự cũng được sử dụng cho Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Đồng Ngọ nhưng lược các dầm chống chéo.
Hình thức sử dụng dầm chéo chống đỡ dầm ngang đâm xuyên qua cột trung tâm tạo thành các tầng dầm so le với cao độ khác nhau như ở tháp Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám hay Chuyển luân tàng chùa Long Hưng đã gợi lên những gợi ý đầu tiên cho việc chú giải về những lỗ mộng và rãnh dầm trên thân cột đá chùa Dạm những như mối liên hệ của nó với một công trình kiến trúc một cột cố định khác còn tồn tại, đó là Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu.
Tham khảo
Phạm Lê Huy, Phạm Văn Triệu – “Dấu tích kiến trúc bát giác thời Lý tại Hoàng Thành Thăng Long: tư liệu và nghiên cứu”, “Kiến trúc một cột và trục xoay thời Lý đặt trong bối cảnh kiến trúc Đông Á. Hướng đến giải mã các kiến trúc trục xoay phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long”
Di Luo – “A Grain of Sand: Yingzao Fashi and the Miniaturization of Chinese Architecture”
Hình thức mộng và kết cấu cột đá Chùa Dạm
Trước hết qua quan sát hình thức các lỗ mộng và rãnh dầm ở trên đầu cột đá, ta sẽ không thể không liên tưởng đến hình thức dầm đỡ của Liên Hoa Đài của chùa Diên Hựu hiện tại, gồm có các thanh dầm chéo (xích đông) đỡ lấy các thanh dầm ngang phía trên. Đường kính cột đá của Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu là 1m2 còn đường kính phần đầu cột đá chùa Dạm (có dạng elipse gần tròn) là khoảng 1m35, cho thấy kiến trúc đứng trên đầu chúng sẽ có thể có kích thước khá tương đồng.

Hình 1 – Phục dựng hình thức mộng trên đỉnh cột đá
Hình 2 – Phục dựng hình thức các dầm đỡ trên đầu cột đá với các cao độ khác nhau
Hình 3 – Phục dựng hình thức mộng và dầm trên đỉnh cột đá
Hình 4 – Cận cảnh rãnh dầm xuyên tầm trên đỉnh cột. Ảnh Trần Trọng Dương
Hình 5 – Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu. Ảnh EFEO
Hình 6 – Hình thức đấu với 1 rãnh mộng xuyên tâm để liên kết từ 2 đến 3 thân củng (Doanh tạo pháp thức)
Tuy nhiên chúng cũng có 1 số điểm khác biệt. Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu hiện tại là 1 công trình có mặt bằng hình vuông, đươc đỡ bở hệ thống dầm chia làm 8 hướng. Còn các lỗ mộng trên đầu cột đá ở chùa Dạm đã gợi ý dạng kiến trúc phía trên là dạng lục dáng với các tay dầm chia thành 6 hướng. Điều này cũng dễ hiểu khi nếu cùng 1 diện tích mặt bằng, dạng kiến trúc 4 cạnh sẽ có mỗi cạnh lớn hơn so với dạng kiến trúc 6 cạnh. Kích thước các dầm chống chéo của cả 2 công trình khá tương đồng, dựa vào lỗ mộng ở cột đá chùa Dạm thì chiếc dầm này có kích thước tối thiểu là 16cmx36cm (ngang x cao) còn ở Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu là khoảng 20×30, bù lại chiếc dầm ngang xuyên tâm trên đỉnh đầu cột đá chùa Dạm lại có kích thước vượt trội với bề ngang là 23cm và chiều cao tối thiểu có thể là 36-46cm (1,5 – 2 lần bề ngang) trong khi dầm ngang ở Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu có kích thước lớn nhất là 14cmx36cm.
Qua quát sát các ảnh cũ chụp Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu ta nhận thấy rằng, phần trụ đá được tạo tác bởi 2 khối đá liên kết với nhau bằng mộng, trong đó lớp dầm chống chéo cắm vào phần trụ dưới còn lớp dầm ngang thứ nhất cắm vào phần thân trụ trên và lớp dầm ngang thứ 2 phía trên gồm 3 thanh ăn mộng qua đầu trụ đá. Để đảm bảo khả năng liên kết và chịu lực tại các mối liên kết bị xẻ ra của các thanh dầm phía trên cùng với 1 yêu cầu phải tạo ra 1 mặt sàn phẳng, 1 phương pháp lắp dựng dầm với cao độ và kích thước khác nhau đã được áp dụng, trong đó với mỗi hướng, 1 thanh dầm lớn hơn ở tầng dưới sẽ kết hợp với 1 thanh dầm nhỏ hơn ở tầng trên để đảm bảo tất cả các hướng có sự cân bằng về khả năng chịu lực. Điều này có đôi chút khác biệt so với tháp Cửu Phẩm Liên Hoa sử dụng các thanh dầm với kích thước bằng nhau, tuy nhiên điều này cũng dễ giải thích khi trụ chính của tháp Cửu Phẩm Liên Hoa chạy xuyên tâm vào không yêu cầu các dầm ngang này phải tạo ra một mặt bằng sàn phẳng ở phía trên còn trụ đá của kiến trúc một cột cố định không xuyên tâm và các tầng dầm phải liên kết để tạo ra một mặt phẳng sàn, vì thế cao độ và độ chênh lệch này không được quá lớn.
Chúng ta không biết rõ tại sao phần trụ đá này phải được chế tác từ 2 khối riêng biệt (có thể trong quá trình tồn tại công trình này cũng từng bị sập và vỡ phần đầu cột như cột đá chùa Dạm hiện tại, vì thế người ta đã bỏ phần vỡ và tạc thêm 1 khối thay thế vào đó), tuy nhiên hình thức đặt dầm với kích thước và cao độ khác nhau như trên đã mở ra một cách giải thích về việc trên đỉnh đầu cột đá ở chùa Dạm chỉ có duy nhất 1 rãnh dầm xuyên tâm mà không thấy vết tích của các rãnh còn lại.
Với vết tích 1 rãnh dầm xuyên tâm, chúng ta đã có thể biết được rằng, đây là điểm kết thúc của một phần trụ đá liền khối, các người thợ đã dựng 3 thanh dầm ngang chia thành 6 hướng đặt trực tiếp lên trên đầu cột, liên kết với nhau và với phần trụ đá. Việc mỗi thành dầm liền khối tạo thành 2 hướng như vậy sẽ tạo ra sự cân bằng lực ở 2 đầu đồng thời tạo nên 1 nội lực ở giữa chống lại lực cắt và lực uốn của tải trọng đặt lên 2 đầu.
Trong trường hợp chỉ có 1 dầm xuyên tâm tạo thành 2 hướng và 4 dầm còn lại rời rạc không liên kết với nhau thì bắt buộc phải có 1 tải trọng lớn khác đặt lên chính giữa để lấy lại cân bằng lực nhờ nội lực của chính tải trọng này,như trường hợp là cột còn liền khối lên phía trên như ở chùa Diên Hựu, hoặc một khối đá thứ 2 có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng đường kính khối đá bên dưới. Tuy nhiên trong trường hợp đó, việc tạo 1 rãnh dầm xuyên tâm cho chỉ 1 cái dầm trở nên thừa thãi và không cần thiết vì tính chất đối xứng và cân bằng của công trình.
Từ đó ta thấy phương án 3 thanh dầm liên kết trên đầu cột tạo thành 6 hướng sẽ phù hợp nhất với các vết tích hiện trạng. Với hình thức như vậy cùng với việc các thanh dầm có thể có các cao độ khác nhau để đảm bảo tiết diện tại các mối liên kết đủ lớn thì không thất thiết phải có 3 rãnh dầm xuyên tâm mà chúng sẽ được liên kết thêm cùng các khối đá, do tại vị trí liên kết, ngoài bản thân các lực cắt và lực uốn do tải trọng tạo ra trên mỗi thanh, các thanh dầm cũng tạo nên lực nén lên các thanh dầm khác trong khi đá có ứng suất nén cao hơn gỗ.
Phương pháp sử dụng 2 tầng đầm ngang
Như đã nói ở trước, dựa vào kết cấu Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu ngày nay, ta thấy cột đá và phần dầm chống chéo có kích thước của nó khá tương đồng với cột đá ở chùa Dạm, kích thước dầm ngang nhỏ hơn nhưng được chia thành 8 hướng và 2 tầng còn dầm ngang trên đỉnh cột đá chùa Dạm có tiết diện lớn hơn nhưng chia thành 6 hướng. Điều đó cho thấy phần kiến trúc phía trên cột đá chùa Dạm cũng sẽ có kích thước khá tương đồng hoặc nhỉnh hơn một chút so với kích thước Liên Hoa Đài, và do vậy kiến trúc này cũng phải được đặt trên 2 tầng dầm ngang, điều này còn đặc biệt phù hợp với phương pháp đặt dầm có cao độ khác nhau và kích thước bù trừ nhau.

Chú thích:
Hình 1 – Phương án liên kết giữa 2 tầng dầm bởi một trụ ngắn bằng đá hoặc gỗ và phần đầu dầm bởi trụ lửng
Hình 2 – Phương án liên kết giữa 2 tầng dầm bởi một hệ thống đấu củng và phần đầu dầm cũng dùng đấu củng
Hình 3 – Phương án liên kết giữa 2 tầng dầm bởi một trụ ngắn bằng đá hoặc gỗ và phần đầu dầm bằng đấu củng
Hình 4 – Phương pháp đặt bệ sen gỗ và dầm sàn trên hệ thống dầm chính
Về phương pháp liên kết giữa 2 tầng dầm này chúng ta có một số phương án có thể kể đến:
- Liên kết bởi một trụ ngắn bằng đá hoặc bằng gỗ ở vị trí chính giữa, tầng dầm thứ 2 phía trên có thể liên kết với nhau và với trụ này bằng phương pháp tương tự như với tầng dầm 1. Ở vị trí đầu dầm nơi sẽ đặt trực tiếp tải trọng bởi phần lầu phía trên, cột của lầu có thể đâm xuyên qua cả 2 tầng dầm hoặc dùng trụ ngắn để truyền lực từ tầng dầm phía trên xuống tầng phía dưới. Đây là phương pháp còn được sử dụng ở Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu.
- Liên kết bởi đấu củng ở vị trí chính giữa các tầng dầm. Phần đầu dầm cũng tương tự như phương án trên liên kết bằng cột.
- Liên kết bằng trụ hoặc đấu củng ở vị trí giữa và phần đầu được liên kết và truyền tải lực cho nhau bằng hệ thống đấu củng.
Trong bản phỏng dựng này, chúng tôi chọn phương án này để phù hợp với phong cách đặc trưng của kiến trúc thời Lý trong việc sử dụng đấu củng. Hệ thống đấu củng vừa có tác dụng truyền lực và mở rộng tiết diện liên kết giữa 2 thanh dầm, đồng thời hỗ trợ hệ thống dầm sàn đặt trên các dầm chính và đỡ lấy bệ sen phía trên.
Đài sen được tạo tác từ những ván gỗ riêng biệt có chức năng tượng trưng, trang trí được đặt vào giữa 2 lớp dầm có tác dụng che khuất các kết cấu phía trong tạo nên tính thẩm mỹ cho công trình, các lỗ mộng nhỏ hơn ở gần đỉnh cột tạo thành các dầm trợ lực kiểu “xỏ kèo lá” (Nguyễn Hùng Vỹ 1999) , ép vào các dầm chéo gắn thêm các ván gỗ trang trí để che hết toàn bộ phần kết cấu bên trong.
Từ đây ta có một bộ khung chắc chắn để đặt dầm sàn và cột của kiến trúc gỗ phía trên, đỡ lấy một bộ mái rộng.
Nguồn: Huyền Tinh Tác Đấu
Tiêu đề gốc: LỊCH SỬ CÁC LOẠI HÌNH KIẾN TRÚC GỖ MỘT CỘT Ở ĐÔNG Á VÀ HÌNH THÁI KẾT CẤU KIẾN TRÚC MỘT CỘT Ở CHÙA DẠM