
Các hình thức thể hiện sừng trong nghệ thuật tạo hình rồng thời Lý
Tổng quan về hình tượng rồng thời Lý
“Rồng Lý thân trơn, không có vảy không có sừng, có mào lửa,…” – đây là một trong những điều có lẽ ít nhiều người đều đã được nghe qua, được học qua khi tìm hiểu về hình tượng rồng trong lịch sử, mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, đây đều là những nhận định đã có tính lỗi thời, ảnh hưởng bởi một số nghiên cứu từ khá lâu khi còn thiếu nhiều tư liệu về mặt khảo cổ học hoặc các nghiên cứu so sánh trên diện rộng, một phần cũng do bản thân tạo hình của hình tượng rồng thời Lý cũng được tạo tác với sự cách điệu cao, trong các bố cục chặt chẽ, đôi khi được giản lược để phù hợp với bố cục, không gian của vật liệu, của đồ án cần được thể hiện.

Để có cái nhìn đúng đắn về hình tượng của rồng Lý, chúng ta phải quan sát tổng hợp với số lượng lớn những hình tượng được thể hiện, cùng các nghiên cứu so sánh với chính những hình tượng linh thú khác của mỹ thuật Lý và mở rộng nghiên cứu so sánh với các hình tượng tương tự, đồng đại của các nước trong cùng khu vực.
Bạn có thể tham khảo:
Trên lý thuyết, rồng cũng được chia thành nhiều loại rồng với những tạo hình có phần khác nhau, và đôi khi cũng tồn tại cả những linh thú khác có tạo hình giống một số loài rồng, ảnh hưởng bởi tạo hình rồng.
Trong sử sách hay truyền thuyết Trung Quốc, rồng có thể phân biệt theo màu sắc (Hoàng Long, Thanh Long, Hắc Long, Bạch Long…), theo hình dáng (Ly, Cù, Giao Long, Ứng Long,…) hay theo nơi xuất hiện (Thiên Long, Địa Long,..), có những loài rồng làm vua ở các vùng biển (Long Vương). Trong đó, có những loài rồng được miêu tả là có sừng, có loài không có sừng, có loài có một sừng, có loài có hai sừng, lại có loài có vảy hoặc không vảy, có cánh hoặc không có cánh. Các miêu tả này có thể khác nhau tùy theo các sách các truyền thuyết, hay những vùng miền khác nhau, tuy nhiên nó đều nói lên sự đa dạng của các loại rồng về nhiều mặt trong đó có tạo hình.
Lịch sử Việt Nam thời Lý Trần cũng đều ghi chép về nhiều loại rồng như Thanh Long, Bạch Long, Hoàng Long, Hắc Long, Giao Long, Hải Long… Trong bia Sùng Thiện Diên Linh còn nhắc đến “Cù cung xuất nhi bổng kim liên” (Thân rồng uốn mà đỡ đài sen), trong đó cù là một loại rồng được 1 số sách miêu tả là rồng không có sừng. Thơ văn Lý Trần có bài Diên Hựu Tự của thiền sư Huyền Quang lại nhắc đến “Xi vẫn đảo miên phương kính lãnh”, trong đó xi vẫn chính là các hình tượng có đầu rồng đắp trên mái, còn gọi là li vẫn, với li cũng thường được miêu tả là một loại rồng không có sừng.
Qua đó ta thấy rằng, dưới góc nhìn của con người vào thời kỳ này cũng tồn tại nhiều loại rồng, với các ý nghĩa, biểu tượng khác nhau, từ đó dẫn đến việc dù cùng có chung những quy chuẩn nhất định về cách tạo hình trong mỹ thuật, điêu khắc, rồng Lý cũng được thể hiện rất đa dạng về thức, bố cục, đồ án, công năng. Trong đó, có cách thể hiện về rồng có sừng hoặc không có sừng. Bài viết này sẽ chỉ tập trung phân tích các cách thể hiện sừng rồng trong mỹ thuật thời Lý, từ đó có thể nâng cao sự hiểu biết về hình tượng rồng thời Lý nói riêng và rồng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam nói chung, áp dụng trong việc phục dựng các hình tượng mỹ thuật, các hiện vật khảo cổ các công trình kiến trúc thời Lý – Trần và ứng dụng ngay trong mỹ thuật, đời sống hiện đại.
Vật liệu và kích thước của sừng Rồng
Với sự quan sát số lượng lớn các hiện vật có tạo hình rồng Lý, bao gồm đa dạng chất liệu từ đá, đất nung, gốm sứ, kim loại…; với rất nhiều kích thước từ các mẫu rồng rất nhỏ chỉ vài cm cho đến mẫu rất lớn lên đến trên 3m; các hình thức thể hiện như phù điêu, phù điêu kết hợp với tượng, tượng tròn,… ; trên nhiều vị trí, công năng như trang trí mái kiến trúc, thành bậc, gạch ốp, bệ tượng, pháp khí, đồ trang trí,… thì ta thấy có sự tồn tại của cả việc thể hiện không có sừng và có sừng.

Trong đó các hình tượng được thể hiện trong các bố cục có kích thước nhỏ và vừa dạng phù điêu trong các loại ngói trang trí như lá đề cân, lá đề lệch (theo cách gọi hiện nay), ngói trang trí diềm mái tháp,.. phần lớn là thể hiện là không có sừng, trên một số hình lá đề cân bằng gốm trên nóc mái thì có con thể hiện là có sừng, có con không. Đây có thể coi là sự giản lược trong các bố cục trang trí có kích thước nhỏ với chất liệu gốm đất nung.
Tuy nhiên cũng có kích thước nhỏ, hoặc lớn hơn một chút nhưng các hình tượng rồng trang trí trên bệ tượng Phật ở chùa Phật Tích hay chùa Ngô Xá, hình tượng rồng trong các lá đề cân, các mảnh ốp tháp khai quật tháp Phật Tích, Chương Sơn; rồng trên trán bia chùa Long Đọi, trán bia chùa Quỳnh Lâm; rồng trang trí đấu củng tháp Chương Sơn,… chúng vẫn được thể hiện là có sừng, đây là các đồ án được tạo tác bằng đá. Một số đồ án trang trí tương tự với kích thước nhỏ và bằng chất liệu gốm men (trắng hoặc xanh) cũng có nhiều hiện vật thể hiện sừng song song với không có sừng.
Các hình tượng rồng lớn, được thể hiện dưới dạng tượng tròn hoặc bán phù điêu bằng chất liệu đá như các dạng rồng trên thành bậc ở Hoàng Thành Thăng Long, chùa Phật Tích, chùa Dạm; rồng trên cột đá chùa Dạm; rồng trang trí đấu củng ở tháp Phật Tích, rồng trên trụ đá chùa Phật Tích… thì phần lớn chúng đều được thể hiện là có sừng. Trong khi đó cũng là dạng tượng khối nhưng với chất liệu đất nung, các loại đầu rồng trên mái kiến trúc lại không thể hiện sừng, chúng được xác định là xi vẫn, có thể là loại không có sừng.
Như vậy ta có thể thấy, ngoài việc phân biệt loại rồng, việc rồng có thể hiện sừng hay không còn phụ thuộc vào vật liệu và kích thước của không gian tạo tác. Các dạng rồng nhỏ với vật liệu đất nung thường sẽ là loại không có sừng hoặc phần sừng được giản lược, còn các loại rồng trong không gian lớn với vật liệu tạo tác là đá thường sẽ là loại có sừng hoặc được thể hiện đầy đủ phần sừng. Vật liệu đất nung tuy dễ tạo tác nhưng thường kém bền, ngoài ra quá trình nung xảy ra sự giãn nở về vật liệu và lỗ khí cũng sẽ tạo ra một số sai số về tạo hình, trong khi ấy vật liệu đá tuy khó tạo tác nhưng bên hơn và không trải qua quá trình nung đất.
Chú thích:
Hình 1: Xi vẫn không sừng. Ảnh trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018
Hình 2: Rồng không sừng trên lá đề cân gắn đấu ngói ống đất nung. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 3: Rồng không sừng trên bệ tháp đất nung. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 4: Rồng có sừng dạng bán phù điêu bằng đá, hiện vật chùa Phật Tích. Ảnh: EFEO
Hình 5: Rồng có sừng dạng bán phù điêu bằng đá, cấu kiện tháp Phật Tích. Ảnh: San Nguyễn
Hình 6: Rồng có sừng dạng tượng khối, hiện vật chùa Phật Tích. Ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Vị trí và cấu tạo sừng Rồng
Rồng thời Lý mang nhiều tạo hình cách điệu, vì thế khi quan sát tạo hình rồng sẽ dễ dẫn đến sự nhầm lẫn nhiều bộ phận của nó. Về vị trí, sừng nằm trên mày rồng, phần chân mày được thể hiện theo dạng sóng dễ nhầm lẫn với sừng, tuy nhiên chân mày nằm ngay trên mắt, thể hiện một cách mềm mại hơn với các khía nông chạy dọc theo hướng uốn lượn, cùng cách thể hiện bộ phận dạng lông giống như râu, bờm. Trong khí đó sừng nằm phía trên chân mày, phía sau vòi rồng và bộ phận uống hình chữ S, phía trước bờm gáy, được thể hiện một cách cứng cáp hơn bằng chỉ bằng một khía sâu chạy dọc theo thân sừng, có thể có rãnh ngang ở gốc sừng, cách thể hiện tương tự như bộ phận cứng như răng nanh của nó.
Về cấu tạo chung: để tiện cách trình bày về hình dạng sừng, chúng tôi chia sừng rồng thành 3 bộ phận chính: gốc sừng, thân sừng và nhánh sừng. Gốc sừng là một phần ngắn được cắm trực tiếp xuống đầu rồng, đây là bộ phận quan trọng để xác định mà trước giờ các quan sát đều bị bỏ qua, thân sừng là phần chính của sừng, kéo dài từ gốc lên ngọn, nhánh sừng là phần nhú ra từ phía dưới thân sừng ngay phía trên gốc. Cách thể hiện về nhánh sừng và thân sừng của rồng Lý đã chia cách thể hiện sừng rồng thành 3 loại chính: dạng sừng hươu, dạng sừng omega ω và dạng nửa omega nửa hươu.
Các loại sừng rồng
Loại 1: sừng hươu.
Đây là kiểu loại dễ nhận ra nhất vì nó giống sừng hươu trong thực tế hơn. Cả phần nhánh và thân chính hơi cong, đôi khi lượn sóng nhưng đều có xu hướng duỗi nhọn về đầu ngọn. Đặc điểm sừng hươu cũng là loại dễ gặp trong các thời kỳ sau này hay rồng Trung Quốc.
Lý luận long họa của Tống được viết trong “đồ họa kiến văn chí” (图画见闻志) phần “tự đồ họa các ý” của Quách Nhược Hư 郭若虚 cũng mô tả sừng của rồng giống như sừng hươu (角自鹿).
Tuy nhiên dạng thức sừng hươu rõ rệt là dạng ít gặp dưới thời Lý.
Loại 2: sừng omega
Đây là kiểu thể hiện sừng phổ biến nhất của rồng Lý, nhưng lại là dạng khó nhận ra nhất vì tính cách điệu cao. Phần nhánh và phần thân sừng chính không duỗi nhọn dần về đỉnh ngọn và xoắn mạnh cuộn vào phía trong, nhìn giống như hình omega.
Từ trước đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bộ phận này của rồng thời Lý tuy nhiên chưa được định danh là sừng mà đơn giản gọi là bộ phận dạng hình omega ω hoặc số 3 ngửa. Một số nghiên cứu khác cũng xác định rồng Lý có sừng nhưng lại phân biệt riêng với bộ phận hình omega. Chính sự cách điệu cao của hình thức thể hiện, cùng với việc các hình tượng được nghiên cứu là dạng phù điêu một mặt đã gây khó khăn trong việc xác định bộ phận được tạo hình. Một số bản vẽ hay bản dập rồng Lý có thể hiện bộ phận omega nhưng dường như là bộ phận này bay lơ lửng không có sự gắn kết với phần đầu, một phần vì quan sát thiếu một bộ phần quan trọng mà chính nó trở thành việc xác định bộ phận omega là sừng rồng, đó chính là gốc sừng, một phần ngắn kéo dài từ cái hình omega đó cắm xuống đỉnh đầu, phần này thường bị vô tình bỏ qua khi quan sát.
Ngoài ra khi quan sát các dạng rồng đá thành bậc ở Hoàng Thành Thăng Long hay chùa Quỳnh Lâm ta sẽ thấy dạng hoa văn omega này thực chất có 2 cái ở trên đầu chia ra 2 bên nằm ngay trên phần lông mày của con rồng, thay vì chỉ nhìn thấy một cái như các dạng thức phù điêu hoặc bán phù điêu, một số hiện vật đầu đã gãy mất một bên hoặc gãy phần ngọn ở cả 2 bên nhưng vẫn còn vết tích của chúng. Nhờ phần gốc cắm xuống đầu và sự tồn tại của 2 cái 2 bên đỉnh đầu, chúng ta xác định được bộ phận omega này chính là sừng rồng.
Hình thức sừng dạng xoắn cuộn như thế này có lẽ có mang ảnh hưởng từ tạo hình sừng của một số rồng Đường hay rồng Tống. Tuy nhiên, sừng rồng Đường hay Tống thường thể hiện thanh mảnh và dài hơn với xoắn nhẹ hơn nên dễ nhận biết.
Loại 3: Loại kết hợp
Đây cũng là một loại ít gặp tuy nhiên chúng cũng dễ nhận biết. Dù phần nhánh vẫn xoắn mạnh vào trong nhưng gốc sừng dài, thân sừng vẫn được duỗi nhọn về ngọn. Đây cũng là một dạng thức dễ gặp trong tạo hình rồng thời Đường.

Chú thích:
Hình 2: Loại 1 – Sừng hươu, có thân và nhánh đều duỗi nhọn. Hiện vật chùa Phật Tích. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam
Hình 3: Loại 1 – Sừng hươu, có thân và nhánh duỗi nhọn. Hiện vật chùa Bối Khê. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 4: Loại 2 – Sừng omega, có nhánh và thân đều xoắn về đỉnh. Hiện vật mảnh ốp tháp Chương Sơn, lưu giữ tại Bảo Tàng Nam Định. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 5: Loại 2 – Sừng omega. Hiện vật cấu kiến tháp Phật Tích, lưu giữ tại chùa Phật Tích. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam
Hình 6: Loại 3 – Sừng có thân duỗi nhọn và nhánh xoắn cong. Hiện vật khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh Viện nghiên cứu kinh thành
Hình 7: Loại 3 – Sừng có thân duỗi nhọn và nhánh xoắn cong. Hiện vật phần bệ tháp lưu li lưu giữ tại Bảo Tàng lịch sử Quốc Gia. Ảnh: Nguyễn Duy
Hiện vật sừng Rồng trên tượng và phù điêu

Một số hiện vật dạng tượng khối hoặc bán phù điêu
Chú thích:
Hình 1: Chuông thời Lý (1093), bảo tàng Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoài Nam
Hình 2: Đầu rồng thời Trần, bồ lao chuông Vân Bản với dạng sừng omega kéo dài. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 3: Rồng đá thành bậc thời Lý với 1 bên sừng còn rõ dạng sừng omega và 1 bên sừng đã gãy. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 4: Rồng đá thời Lý, thành bậc chùa Quỳnh Lâm với phần sừng omega dài đưa ra ngang bờm. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 5: Rồng dạng nửa phù điêu nửa tượng khối trên cột đá chùa Dạm một bên sừng phù điêu hình omega, một bên đã bị gãy nhưng vẫn nhú lên ở hai điểm, ở gốc sừng và ở vị trí bắt đầu uốn lên. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 6: Rồng đá thành bậc thời Lý với phần sừng 2 bên đều đã bị gãy ngọn nhưng vẫn thể hiện vết tích dạng omega. Ảnh: Nguyễn Duy

Chú thích:
Hình 1: Rồng chạm khắc trên bệ phật chùa Phật Tích. Đây chính là đồ án thường được cover lại nhưng thường bỏ sót phần gốc sừng. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 2: Rồng trang trí lá đề cân tại tháp Phật Tích. Ảnh: San Nguyễn
Hình 3: Rồng chạm khắc trên cấu kiện tháp Phật Tích. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Hình 4: Rồng chạm khắc trên cấu kiện đá tháp CHương Sơn. Ảnh: Nguyễn Duy
Hình 5: Rồng trang trí lá đề lệch khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Viện Nghiên Cứu Kinh Thành
Hình 6: Rồng Tống với dạng sừng xoắn trên tranh thời Tống
Hình 7: Tranh thời Đường tại Đôn Hoàng miêu tả một loại rồng, thể hiện một sừng dạng xoắn
Tham khảo:
– “Giải ảo huyền thoại “Rồng Lý không sừng”: Sừng rồng thời Lý hiện vật là loại hình – Nguyễn Duy – Trần Trọng Dương – Hiệu Sicula
– “Hình tượng rồng trong văn hoá Trung Quốc và trong chu dịch” – Lê Anh Minh
Nguồn: Huyền Tinh Tác Đấu