Sơ lược về đèn đá Á Đông và Việt Nam

Sơ lược về đèn đá Á Đông và Việt Nam

Đèn là một dạng pháp khí phổ biến trong Phật giáo cả Nam truyền lẫn Bắc truyền. Đốt đèn, dâng hương, dâng hoa là những nghi thức thờ cúng cơ bản trong đạo Phật. Thời sơ khai của đạo Phật, dầu đốt là một trong những cúng vật xa xỉ nhất mà Phật tử luôn sẵn lòng dâng cho Tam bảo.

Đốt đèn là nghi thức thờ cúng có rất nhiều ý nghĩa, nhưng tựu chung, hành động đốt đèn thắp sáng giống như là thắp sáng lên trí tuệ, giác ngộ của bản thân và của chư Phật. Một ngọn đèn có thể thắp sáng nhiều ngọn đèn khác thể hiện ý nghĩa giống như việc lan toả trí tuệ, công đức của việc tu tập và truyền bá giáo pháp.

đèn đá việt nam
Đèn đá trong Phật giáo

Vì ý nghĩa của việc đốt đèn rất sâu xa và dài dòng nên xin tạm không dẫn ra luôn ở đây mà xin được dẫn link ở dưới bài. Bài viết này tập trung vào mô tả đèn đá nói chung và việc phỏng dựng cây đèn đá thời Lý nói riêng.

Đèn đá được sử dụng nhiều trong kiến trúc Phật giáo Bắc truyền, thường được bày ngoài trời, trước Phật điện. Đèn đá trong chùa thường được đốt sáng liên tục với ý nghĩa sử dụng như Trường Minh Đăng, (Vô Tận Đăng).

Đèn đá thấy nhiều trong sân đình, đền, chùa.. hiện nay xuất hiện dưới form đèn đá Nhật Bản, loại mới được chế tác và cung tiến vài năm gần đây. Bây giờ đâu cũng thấy đặt đèn đá, kiểu dáng thì là kiểu Nhật trăm cái giống nhau cả trăm, có khi trong sân chùa thì bày tới cả chục đèn, trong khi ít ai biết xưa kia Việt Nam cũng có đèn đá, và ý nghĩa của đèn là gì vậy.

Đèn lồng đá

Sau đây là định nghĩa về Đèn lồng đá – Đăng lung – Toro – Đăng lâu từ wiki

Đèn lồng (燈籠 – Đăng lung) (Trang trí kiến trúc) là một dạng thiết bị chiếu sáng truyền thống của Đông Á, xuất phát từ Trung quốc, sau đó lan sang Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và Lưu Cầu. Ban đầu là vật thờ của Phật giáo, sau đó sử dụng rộng rãi trong các đền thờ, vườn và nhà cửa. Ngoài chất liệu đá ra cũng có gỗ, kim loại và các vật liệu khác. Lồng đèn được làm để ngăn cho gió không thổi tắt đèn, lồng đèn cho các loại đèn sử dụng trong nhà thì làm từ khung gỗ. Ngoài trời là các loại lồng đèn đá và kim loại, cũng có khi làm bằng gỗ hoặc gốm. Thường đứng trên đế (đăng tràng), hoặc không cũng có loại treo.
Lồng đèn truyền thống sử dụng dầu , nến tạo ra ánh sáng. Hiện đại, có sử dụng gas hoặc điện làm nguyên liệu thắp sáng.

Đèn (lồng) đá bao gồm các bộ phận đặc trưng sau:
1 – Bảo Đính: (Nhật gọi: Bảo Châu) Đỉnh đèn, thường giống hình củ hành tây.
2 – Tràng Đính: (Nhật gọi: Lạp) Là mái che của phần lồng đèn, thường làm kiểu bát giác, lục giác, tứ giác, cũng có kiểu hình tròn (Tuyết Kiến Hình)
3 – Đăng Thất: (Nhật gọi: Hỏa đại) phòng đốt, phần lồng đèn, để chứa đuốc, nến hoặc bóng đèn điện, cũng có loại đèn chỉ để trang trí thì không có đèn bên trong.
4 – Tràng Thân : (Nhật gọi: Trung Thai) Phần bệ của lồng đèn, thường có trang trí kiểu bệ sen
5 – Trụ (Trung: 竿) Phần cột đỡ lồng đèn, loại đèn Tuyết Kiến Hình thì không có phần này, cũng có mấy kiểu bát giác, lục giác, tứ giác, tròn… hoặc có kiểu trang trí người, động vật…
6 – Đế (Trung: 基礎) Phần đế dưới cùng, cũng trang trí theo dạng bát giác, lục giác..vv. hoặc có khi lấy các loại linh thú đang ngồi, nằm đỡ lấy.

Hiện tại ở bảo tàng lịch sử quốc gia, có trưng bày một hiện vật (B) được chú thích là Cột đá thời Lý. Hiện vật này không còn nguyên vẹn, vỡ mất trên và dưới, ngoài có đục chạm trang trí hoa văn hình thân, chân và đuôi rồng Lý. Sau đó tôi có vô tình thấy mấy ảnh cổ của Viện Viễn Đông Bác Cổ chụp (hình A1 – A2), nhìn qua cũng thấy là tượng đá thời Lý. Hiện vật này thì chạm hoa văn hai đầu rồng đang đỡ một bệ sen vô cùng đẹp. Tuy 2 vật này không được lưu trữ gần nhau nhưng tôi cảm thấy chúng có gì đó rất chung, nếu không muốn nói luôn rằng chúng chính là mảnh vỡ từ 1 vật. Kích cỡ tuy không có số liệu cụ thể nhưng theo cảm quan thì 2 hiện vật này có kích cỡ tương đồng, khi đem hình ghép chung vào nhau thì kết quả thật ngỡ ngàng: chúng khớp với nhau đến như vậy. Tiếp đó tôi thấy ảnh một bệ đá thời Lý ở chùa Phật Tích (hình C), có phần sóng nước giống hệt phần dưới của vật B, nên tôi tạm nhận định C có thể cũng là một bệ của một điêu khắc đá giống B, và ngược lại B cũng sẽ có phần đế bát giác giống C.

Để chứng minh được A-B-C thực sự có liên quan với nhau thì chắc chắn cần nhiều nghiên cứu nghiêm túc hơn. Vì chưa có điều kiện tiếp cận, đo đạc trực tiếp các hiện vật (Nghe anh Hoài Nam nói hiện vật A đã bị vỡ, còn lưu trữ ở đâu thì không rõ) nên tạm thời tôi chỉ bằng cảm quan của cá nhân mà đánh giá chúng có liên quan.

Đèn lồng đá ở bảo tàng

Hình minh hoạ:
A1 phía trước, A2 phía sau của hiện vật A hình chụp của Viện Viễn Đông Bác Cổ, chụp ở chùa Phật Tích
B hiện vật của Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam
C hiện vật thời Lý chùa Phật Tích (ảnh của Võ Văn Tường)

Ở Trung Quốc – Đèn đá xuất hiện từ thời Hán, thịnh hành trong thời Nam Bắc Triều và thời Đường, phổ biến trong các chùa, miếu, hoa viên, sau thời Ngũ đại thì bớt thấy.
Trong chùa thường bày đèn đá trước Phật điện, đốt sáng liên tục, ngụ ý tượng trưng cho trí tuệ và pháp lực vô biên của chư Phật.

Đèn đá cổ nhất ở TQ hiện còn là đèn đá có từ thời Bắc Tề của chùa Đồng Tử, Sơn Tây, Thái Nguyên (01).
Thời Đường có đèn đá (02) ở chùa Pháp Hưng ở Trường Trị, Sơn Tây, niên đại Đại Lịch thứ 8 (773).
Đèn đá chùa Thạch Ngưu, Thiểm Tây (03).
Đèn đá ở miếu Bắc Nhạc, Khúc Dương, Hà Bắc (04).
Đèn đá chùa Hưng Long, thành Đông Kinh nước Bột Hải, nay là Ninh An, Hắc Long Giang (05)

Ở Triều Tiên – Đèn lồng đá trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu có từ thời Tam quốc Triều Tiên, du nhập từ Trung Quốc.
Cái sớm nhất thấy tại chùa Di Lặc, Ích Sơn, Bách Tế (nay là Iksan – Hàn Quốc)
Ở Tân La, rất sùng Phật giáo, đa phần khi xây chùa thì bên trong đều có đèn đá.
Tại tỉnh Yeosu, chùa Hưng Quốc 흥국사 (Heungguksa) có cây đèn đá tạo hình đặt trên lưng con Bí Hí.
Tại tỉnh Chungju, chùa Thanh Long 청룡사 (Cheonglyongsa) trước tháp thờ Phổ Giác Quốc sư có đèn đá tạo hình đặt trên lưng con sư tử.
Ngoài việc sử dụng trong chùa miếu, vườn cảnh, đèn đá còn thấy nhiều trong kiến trúc các lăng mộ ở Triều Tiên, như là ở lăng Cao Ly Cung Mẫn Vương.

Ở Nhật Bản – Cùng với sự du nhập văn hóa và tôn giáo của Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên vào thời Đường, đèn đá xuất hiện ở những ngôi chùa từ thời Nara.
Đến thời Heian, đền thờ Thần đạo cũng có những ngọn đèn tương tự. Hiện đèn đá cổ còn rất nhiều trong các đền chùa, phố cổ của Nhật Bản.

Đèn lồng đá là một phần quan trọng trong văn hóa vườn Nhật Bản, thường làm bằng đá hoa cương.
Đèn đá bự nhất Nhật Băn nằm ở vườn がんこ高瀬川二条苑 (Gankotakasegawanijōen) Kyoto, cao 13 mét

01. Đèn đá thời Nara chùa Đương Ma (Taima-dera)
02. Đèn đồng thời Nara chùa Đông Đại (Todai-ji)
03. Đèn đồng chùa Dược Sư (Yakushi-ji) Phục chế.
04. Đèn đá chùa Đạo Thành (Dojo-ji) Thời Nara
05. Đèn đá thần xã Kanda, Kyoto. Mới chế tác phỏng theo mẫu thời Edo.
Hiện tại do sự thịnh hành của văn hoá vườn cảnh Nhật Bản, đèn đá Toro cũng trở nên thịnh hành trên toàn thế giới. Việt Nam bây giờ cũng du nhập và rất phổ biến kiểu đèn đá số 05 này.

Ở Việt Nam – Đèn đá cổ ở Việt Nam không có nhiều và không đặc trưng, thường được gom chung vào với cây hương đá, vốn được thấy phổ biến hơn, nghĩa là chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đốt đèn Trường Minh sang đốt hương. Khi nghiên cứu về cột đá chùa Dạm, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra khái niệm Nhiên Đăng Đài, cũng về ý nghĩa tương tự Đăng Lung, Trường Minh Đăng. Do gom chung với cây hương vào nên có thêm cách gọi khác như thiêu hương đài (đài đốt hương)
– Wiki bản tiếng Trung nhận định các ô trống trên trụ biểu của kiến trúc thời Lê Nguyễn là đèn lồng, cái này hiện còn nhiều nghi vấn, cứ ghi tạm ra ở đây.

Hình minh hoạ:
01. Đèn đá chùa Hưng Khánh. Niên đại Lê Trung Hưng. Làng Bồng Lai, Đan Phượng, Hà Nội – Ảnh của Nguyễn Hoài Nam

02. Đèn đá chùa làng Đào Xá. Niên đại Lê Trung Hưng. Thường Tín, Hà Nội. Ảnh Soha
03. Trụ biểu bệ rồng đá, đền Đinh Tiên Hoàng. Bệ đá niên đại Lê Trung Hưng, trụ biểu niên đại Nguyễn.
04. ? Ảnh từ Đào Đức Minh
05. Cây hương cổ chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh từ Nguyen Thi Minh Hanh. Group Chùa Việt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *