
Mô hình lầu chuông – nhà bia trong kiến trúc tự viện – chùa Dạm thời Lý (1)
Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về chùa Dạm, đã có nhiều tranh luận về vai trò, hình thái của kiến trúc trung tâm cấp nền 2 của chùa. Tại đây còn tồn tại hai tàn tích đơn nguyên.
Phía Đông là cây cột đá, chân cột được kè các lớp đá xếp theo hình tròn, đục đẽo hoa văn sóng núi (cửu sơn bát hải), thân cột tạc đôi rồng song long hiến châu, nét chạm tuyệt mỹ điển hình của mỹ thuật thời Lý. Có 6 lỗ mộng phân cách tương đối đều nhau đục vát chéo sâu vào thân cột, đỉnh cột có 1 rãnh mộng trung tâm.
Phía tây cấp nền 2, đối xứng với cây cột đá là một bệ đài được đắp nện bằng đất pha sỏi và gạch ngói vụn, xung quanh được ốp đá chạm khắc hoa văn cửu sơn bát hải như ở bên cột đá. Mặt phía Đông của bệ hướng về phía cột đá có cầu thang đá bắc lên, tiết diện mặt đáy của bệ gần vuông với kích thước mỗi cạnh xấp xỉ 8.5 m, Trên bệ có một bia đá cắm trên một con rùa đá, chữ trên bia đã mòn gần hết gần như không đọc được, nhưng dựa vào hoa văn trên diềm bia có thể đoán định niên đại của bia trên dưới thế kỷ 15.

[Năm 2013, đoàn khai quật khu di tích chùa Dạm đã mở một hố kiểm tra gần chân cột (trụ đá tròn) về phía Bắc. Hố dài 2m, rộng 1m. Địa tầng hố kiểm tra cho thấy có lớp gia cố bằng cuội sỏi trộn lẫn đất laterite dày 1,6m. Hiện tượng gia cố này tương tự như móng trụ đặt các chân tảng kê cột trong các công trình kiến trúc. Như vậy, có thể thấy rằng cột đá chùa Dạm được dựng lên đúng như vị trí ban đầu] – Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa Thời Lý – Luận án tiến sỹ khảo cổ học (Nguyễn Văn Đáp – 2019).
Đã từng có một số nhà nghiên cứu cho rằng cây cột đá là một linga du nhập từ văn hóa Chăm, tuy nhiên giả thuyết chiếm ưu thế về cây cột là cột trụ của một kiến trúc một cột giống như Liên hoa đài chùa Diên Hựu, chúng tôi đồng quan điểm với giả thuyết này. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra giả thuyết hai kiến trúc phía Đông và phía Tây cấp nền 2 của di tích chùa Dạm, tương ứng với cây cột đá và bệ đài hình vuông, là mô hình lầu chuông và nhà bia, đã từng xuất hiện trên nhiều ngôi chùa khác xây dựng dưới thời Lý-Trần.
Bia (碑: bi) khởi thủy từ Trung Quốc thời Tiên Tần là những phiến đá không có chữ dựng trong cung để nhận biết ánh nắng mặt trời xác định thời gian, hoặc dựng trong miếu để buộc vật tế, hoặc cột gỗ để buộc dây hạ quan tài xuống huyệt mộ. Về sau, do nhu cầu chép lại các sự việc mà xuất hiện hai loại bia không có hình dạng và cấu tạo giống như bia nguyên thủy nhưng có khắc chữ là thạch khắc (khắc trên đá) và ma nhai (khắc trên vách núi). Thạch khắc văn tự sớm nhất hiện còn ở Trung Quốc là Thạch cổ văn có từ thời Tần, gồm mười chiếc trống đá khắc nội dung về việc đi săn của vua Chu. Từ thời Đông Hán trở đi, lệ dựng bia khắc đá ở Trung Quốc ngày càng phổ biến.
Nhà kim thạch học Trung Quốc là Chu Kiếm Tâm khái quát các nguyên tắc dựng bia như sau:
Một là: thuật đức, tôn sùng bậc thánh nhân, ca ngợi kẻ hiền tài, biểu dương người trung thuận, nêu gương người hiếu nghĩa.
Hai là: Ghi công, khắc vào đá ghi việc thánh thượng tuần du cho đến việc ghi công trạng của các tướng lĩnh.
Ba là: kỷ sự, ghi việc xây dựng đền đài lăng tẩm. Bốn là: toản ngôn, từ công văn thư tín đến các sáng tác của văn nhân[1].
Ở Việt Nam, nói đến bia là nói đến chất liệu đá và phương thức tạo tác là khắc tay, nên thường gọi là bia đá. Bia đá sớm nhất ở Việt Nam hiện biết là bia nghè Đào Hoàng ở Thuận Thành, Bắc Ninh có niên đại mặt trước là năm Kiến Hưng nhị niên (314) thời Tấn.
Kể từ thời Lý trở về sau, việc dựng bia đá ngày càng phổ biến. Trong chùa, hầu như không chùa nào là không có bia, nội dung trên bia thường nói về việc xây dựng chùa, về sự tích của chùa hay của những nhà sư gắn liền với chùa, và ghi chép về những người góp công xây dựng, tu sửa, cúng dường vào chùa. Những văn bia đá thời Lý đến nay chỉ tính những bia của các chùa còn lại 13 bia, đó là những tư liệu quý giá khi nghiên cứu về những nhân vật, văn hóa, kiến trúc của thời đại này. Trong việc nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam thời Lý nói riêng, văn bia là nguồn sử liệu quan trọng lưu giữ thông tin về lịch sử xây dựng, mô hình kiến trúc và các đặc điểm hình thái kiến trúc dưới thời Lý.
Chuông (鈡: chung) là một pháp khí quan trọng trong các tự viện Phật giáo. Các loại pháp khí bằng gỗ, đồng, sắt đánh phát ra âm thanh như mõ, chuông, khánh gọi chung là kiền trùy, dùng để tập hợp tăng chúng, tiến hành nghi lễ hay giữ nhịp tụng kinh và thông giáo thì giờ. Kinh Tăng Nhất A Hàm chép rằng ngài A Nan khi thăng tòa giảng pháp thường gõ kiền trùy, đây là tiếng làm tin của Như Lai vậy. Chuông lớn trong chùa gọi là hồng chung hay Phạn chung. Văn bia chùa Linh Xứng viết: “…một tiếng chày kình, ngân vang khắp chốn, thức tỉnh kẻ u mê, phá tan niềm hôn tục”.
Ngày nay chỉ ghi nhận một quả chuông duy nhất của thời Lý còn tồn tại, hiện thuộc về một nhà sưu tầm và đang lưu giữ trong kho của Bảo tàng Bắc Ninh, ngoài ra ở chùa Thầy còn một quả chuông thời Lý đã từng bị phá hủy thời Tây Sơn, được đúc lại sau đó và khắc lại bài minh ở quả chuông cổ.
Tham khảo:
[1] Đinh Khắc Thuân, Văn bia chữ Hán Việt Nam, từ thời Bắc thuộc đến thời Trần, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ghi chép về Lầu Chuông và Nhà Bia thời nhà Lý

Trong các văn bia của thời Lý hiện còn thì có một số văn bia có ghi chép về sự xuất hiện của lầu chuông và nhà bia. Đó là ở các chùa Hương Nghiêm (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chùa Diên Phúc (Yên Mỹ, Hưng Yên) và chùa Thiệu Long (Phúc Thọ, Hà Nội) và chùa Đội Sơn(Hà Nam).
Trong Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (1125) viết: “…Mái hiên cong cong như cánh trĩ, ngói lợp lớp lớp như vảy rồng. Lan can thoáng mát, cửa ngõ thênh thang. Mé trái có một tòa lầu nguy nga, trong treo chuông lớn. Bên phải dựng tấm bia đá ghi chép công lao, ngõ hầu nghìn năm không mai một. Tường vách bao quanh, cách xa trần giới; cỏ hoa tươi tốt, ngào ngạt khói hương…[2]”.
Trong Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh (1157) viết: “…Bèn lập Phật điện ở giữa, dựng hồi lang bên ngoài… Trong cửa Tam quan, hộ pháp Thiện Thần đứng sóng đôi. Hòa thượng Chi Sơn và Thổ địa Đại vương ngồi đối diện ở hành lang trước. Phía ngoài hành lang trước, bên trái xây lầu để treo chuông khánh, bên phải dựng nhà để đặt văn bia. Bên ngoài tam bảo đào hai cái ao để trồng sen mùa hạ. Sau chính điện mở một khu làm kho chứa thóc mùa thu…[3]”.
Tham khảo:
[2] [3] Đinh Khắc Thuân, Văn bia chữ Hán Việt Nam, từ thời Bắc thuộc đến thời Trần, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Bố cục một số Chùa thời Lý theo Văn Bia

Trong Thiệu Long tự bi (1126) soạn vào năm cuối nhà Lý, năm đầu nhà Trần viết: “…Trước dựng tam quan, cửa đón gió lành, thắng cảnh chừ du khách dừng xe; trong mở một đường, cầu liền trăng rọi, thưởng ngoạn chừ Thiền sư chật viện. Tiếp đến, phía đông lầu chuông cao vút, rẽ sương bay âm hưởng thăng trầm; phía tây bia đá cao vời, khắc đạo lớn danh thơm kim cổ…[4]”.
Trong Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1121) viết: “Dựng mười ba tầng chọc sông ngân, mở bốn mươi cửa nghênh gió mát. Vách chạm hang rồng, góc treo chuông ngọc… Thềm sân tam cấp xuống lên, hành lang hai bên tả hữu. Phía dưới, bên trái dựng cung tứ giác : Ôm hai rồng mà trấn đất, đội tám tướng chầu trời. Nêu khí tượng cho danh sơn, truyền thánh công cho hậu thế. Bên hữu chùa, dựng nhà khám nhọn vuông, trong đặt Tân Đầu hòa thượng khi bị đày ra Ma Lê sơn. Nhận lời dặn của Như Lai, vì chúng sinh mà chứng phúc. Bậc dưới, trước xây gác Lăng Hán: Treo chuông đồng Thú Sơn, buộc chầy kình Bích Hải. Đánh thì tiếng vọng cung trời, nghe thì kiếm dừng địa ngục…[5]”
Tham khảo:
[4] Đinh Khắc Thuân, Văn bia chữ Hán Việt Nam, từ thời Bắc thuộc đến thời Trần, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[5] Trần Trọng Dương, Giới thiệu dịch chú văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, 2012
Tư liệu về Lầu chuông – Nhà bia

Như vậy có thể thấy, đặc điểm chung của các ngôi chùa theo mô hình lầu chuông – nhà bia này là hai công trình nằm đối xứng quanh trục chính của chùa, vị trí về phía trước của kiến trúc chính điện, với lầu chuông nằm về phía tả, với chùa quay mặt về hướng Nam thì phía tả tương ứng với phía Đông; còn nhà bia nằm về phía hữu, tương ứng với phía Tây.
Cá biệt trường hợp của chùa Đọi, nằm đối xứng trước kiến trúc trung tâm ở đây là ngôi tháp Sùng Thiện Diên Linh là “cung tứ giác” và nhà khám Tân Đầu hòa thượng, gác chuông được chuyển vị trí xuống cấp nền thấp nhất. Ở đây, về kiến trúc “cung tứ giác”, theo mô tả ta biết công trình có mặt bằng vuông, có đôi rồng ôm đất và chức năng của nó là “nêu khí tượng cho danh sơn, truyền thánh công cho hậu thế”, đó chính là tấm bia đến nay vẫn còn tại chùa, với đế bia điêu khắc 4 con rồng chia làm 2 cặp song long trước sau, nằm trên khối đá có trang trí hình tượng cửu sơn bát hải (tương tự như phần bó nền vuông của chùa Dạm).
Chúng ta có thể thấy mô hình lầu chuông – nhà bia rõ ràng hơn qua hiện vật mô hình nhà thời Trần lưu giữ ở bảo tàng Nam Định. Hiện vật là một mô phỏng một loại hình kiến trúc tự viện đương thời, gồm một phức hợp kiến trúc trung tâm, xung quanh là hành lang bao bọc và có trổ cửa ở các bên. Có rất nhiều điều đáng nói ở mô hình này, tuy nhiên điều đáng chú ý ở đây là phía trong hành lang có 2 đơn nguyên, bao gồm một mô hình nhà bia với phần mái đã bị mất, và một kiến trúc tứ giác toàn tiêm đã mất phần thân chưa rõ chức năng, dựa trên những dữ liệu văn bia trình bày phía trên, có thể dễ dàng liên hệ đây chính là mô hình lầu chuông – nhà bia trong một ngôi chùa.
Quay trở lại di tích chùa Dạm, như đã biết, phía Đông cấp nền 2 tương ứng với phía tả là vị trí của cột đá, đối xứng qua trục của chùa là phần bệ hình vuông, do đó hoàn toàn có thể đưa ra giả thuyết đây là mô hình lầu chuông – nhà bia như mô tả trong minh văn của một số ngôi chùa thời Lý.
Về phần bệ hình vuông, đó có thể là một nhà khám như trường hợp của chùa Đọi là khám thờ Tân Đầu Hòa thượng. Tuy nhiên, khảo cổ đã thu được một phần rùa đá bị vỡ của một tấm bia bằng sa thạch, vị trí nằm ở lối lên xuống từ cấp nền 1 lên cấp nền 2, ngay sát bệ hình vuông. Tại chùa Dạm, đá xây dựng công trình chủ yếu là sa thạch và được khai thác tại chỗ. Tấm bia hiện tại trên bệ hình vuông có chất liệu đá xanh, mang niên đại muộn khoảng TK 15 và được khai thác tại nơi khác. Điều đó cho thấy hiện vật rùa đá sa thạch khai quật được nhiều khả năng là phần đế của một tấm bia thời Lý đã từng đặt ở đây, và việc tấm bia đá xanh tuy niên đại sau thời Lý vẫn được đặt trên bệ vuông có thể giải thích rằng, người đời sau khi trùng kiến ngôi chùa hẳn vẫn còn hiểu biết về vị trí của nhà bia trước kia, và việc đặt tấm bia mới ở vị trí nhà bia cũ thể hiện sự bảo lưu lịch sử kiến trúc của ngôi chùa.
Về cây cột đá, với 6 rãnh mộng trên thân cột là minh chứng cho việc cây cột đá chùa Dạm là phần trụ của một kiến trúc một cột sáu cạnh, giống với kiến trúc chùa Một Cột (một cột bốn cạnh) vốn được xây dựng cùng thời với kiến trúc ở chùa Dạm. Trong Việt sử lược có ghi chép về một kiến trúc một cột sáu cạnh thời Lý Thánh Tông như sau: “Mậu Tuất (1058), Long Thụy Thái Bình ngũ niên. Tháng 6, dựng điện Linh Quang, phía bên tả dựng điện Kiến Lễ, bên hữu dựng điện Sùng Nghi. Trước điện xây lầu chuông một cột sáu cạnh chạm hoa sen (độc trụ lục giác liên hoa chung lâu)”. Rõ ràng, kiến trúc của cây cột đá hoàn toàn giống với độc trụ lục giác liên hoa chung lâu trước điện Linh Quang ở Thăng Long ghi chép trong Việt sử lược.
Chú thích:
Ảnh 1. Bản vẽ mặt bằng khảo cổ chùa Dạm cấp nền 2, vùng khoanh đỏ là nơi phát hiện hiện vật rùa đá. Nguồn: BQL Di tích tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh 2. Bệ hình vuông phía Tây cấp nền 2.
Ảnh 3. Bệ hình tròn và cột đá phía Đông cấp nền 2.
Ảnh 4. Bia Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi, Hà Nam.
Nguồn ảnh 2,3,4: VietLandmarks.com
Ảnh 5. Hiện vật rùa đá đế bia khai quật gần móng bệ vuông Nguồn ảnh: Trịnh Hoàng Hiệp
Ảnh 6. Mô hình nhà thời Trần, Bảo tàng Nam Định
Phương pháp đánh chuông ở một toà gác chuông

Về phương pháp đánh chuông đối với một tòa gác chuông ở trên cao mà không xây một lối lên rõ ràng, ta có thể có nhiều phương án. Ví dụ như văn bia Sùng Thiện có nhắc đến một thiết bị sử dụng với lầu chuông trong lễ hội đài đèn Quảng Chiếu: “…Lầu hoa hai chiếc, trong buộc chuông vàng. Khắc tăng nhân, thân mặc cà sa, chuyển lẫy ngầm, giơ chày thúc tiếng. Nghe tiếng giáo, mặt nên nghiêm túc, nhìn thánh minh, khom cật giập đầu…[6]”. Đó chính là phương pháp sử dụng con rối, có thể hoạt động qua một số nguyên lý về sử dụng dây để giật.
Tại những ngôi chùa Nhật Bản, chày gỗ được treo trên lầu chuông, và khi đánh chuông ở trên cao người ta kéo dây buộc trên chày để thúc vào chuông. Ở một số nơi như chùa Vô Vi (Chương Mỹ, Hà Nội) chuông được treo trên vách đá cao, hay ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) chuông được treo cao trong tháp Hòa Phong, chắc hẳn trong những trường hợp này, người ta phải bắc ghế, bắc thang để đánh được chuông. Như thế, vấn đề này sẽ có nhiều phương án để giải quyết mà không nhất thiết phải xây dựng một đường lên rõ ràng chỉ với mục đích là gõ chuông, nó khác với nhà bia có một lối lên cố định khi mục đích của nhà bia là để ghi và để đọc. Chúng tôi xin được bỏ ngỏ các phương án đó mà không thể hiện trên bản vẽ.
Cuối cùng, ta vẫn có thể thấy những ví dụ về mô hình lầu chuông – nhà bia ở những ngôi chùa còn tồn tại ngày nay, như chùa Thiên Mụ (Huế) với chuông và bia đều được chế tác thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Tóm lại, qua các dẫn chứng ghi chép trong văn bia, sử liệu và dữ kiện khảo cổ, chúng tôi nghiêng về giả thuyết kiến trục cột đá và bệ hình vuông ở cấp nền 2 chùa Dạm chính là lầu chuông và nhà bia, một mô hình đã tồn tại ở nhiều ngôi chùa thời Lý và chùa Dạm là ví dụ sớm nhất còn thấy được của mô hình này trong lịch sử xây dựng tự viện ở Việt Nam nói chung và thời Lý nói riêng.
Chú thích:
Ảnh 1. Chùa Thiên Mụ trong Thần Kinh nhị thập cảnh, thời Nguyễn.
Ảnh 2. Lầu chuông chùa Thiên Mụ.
Ảnh 3. Nhà bia chùa Thiên Mụ.
Ảnh 4. Chuông bên trong tháp Hòa Phong, chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Ảnh 5. Chuông trên vách núi chùa Vô Vi, Chương Mỹ, Hà Nội.
Ảnh 6. Lầu chuông trong một ngôi chùa Nhật Bản.
Tham khảo:
[6] Trần Trọng Dương, Giới thiệu dịch chú văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, 2012
Nguồn bài viết: Huyền Tinh Tác Đấu
Bài viết: Nguyễn Huy Hoàng
Hiệu đính: Nguyễn Duy
Diễn họa: Nguyễn Duy
Trình bày: Hiệu Sicula