Bức Cân (幅巾) – Mũ đội đầu ở Việt Nam xưa

Bức Cân (幅巾) – Mũ đội đầu ở Việt Nam xưa

Bức Cân (幅巾), còn gọi là Cân Trách (巾幘), Mạt Đầu (帕头), Kiêm Cân (缣巾) là một dạng mũ đội đầu được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.

Mũ được làm từ lụa đen, dài 3 thước (khoảng 1 mét ngày nay), có dây buộc ở phía sau, phía trước che ngang trán, phía sau rũ xuống vai hoặc đến lưng một cách tự nhiên.

Loại mũ này được sử dụng phổ biến từ sau thời Tống bởi các vương công, sĩ đại phu trong các dịp hôn lễ, tế tự, yến tiệc và giao tiếp ngoài xã hội, khi đội thường mặc kèm thâm y. Đây cũng là loại mũ mà các nho sinh thường đội khi làm lễ tế Khổng Tử vào rằm tháng giêng âm lịch.

• Kết cấu

Ban đầu, mũ có dạng hình vuông, có dây buộc ở cả phía trước và sau để bọc lấy tóc. Về sau, Bắc Chu Vũ Đế cải tiến nó bằng cách bỏ dây phía trước và kéo cho mũ dài và rộng ra, nhìn qua trông như một chiếc thắt lưng.

Nguồn gốc và sự phát triển của bức cân

Không rõ mũ này có từ khi nào, nhưng loại trang phục này được đề cập sớm nhất là vào cuối thời Tây Hán.

  • Đông Quan Hán ký , Bào Vĩnh truyện 《東觀漢记·鮑永傳》có viết: “Sau khi Canh Thuỷ đế (Lưu Huyền, lãnh đạo khởi nghĩa Lục Lâm chống lại nhà Tân của Vương Mãng) mất, Bào Vĩnh cùng Bằng Khâm đầu đội bức cân mà bãi binh” – nguyên văn: 《更始 殁,永 与 馮钦 共罢兵,幅巾而居》
  • Tam Quốc chí, Nguỵ chí, Vũ đế kỷ《三国志·魏志·武帝纪》cho biết: “thời Hán mạt, bức cân được xem là trang nhã nên được vương công, các vương được uỷ quyền sử dụng” – nguyên văn: 《汉 末王公,多委王服,以幅巾为雅).
  • Vương Tích (王绩) thời Đường trong Tặng Lý Chinh Quân đại thọ 《赠李征君大寿》: “Khổng Thuần Từ làm Tán kỵ, Lục Sưởng làm Trung lang. Bức cân hoàng đế bãi bỏ trên triều đình, chống gậy đi bận việc quan” – nguyên văn 《孔淳辞散骑,陆昶谢中郎。幅巾朝帝罢,杖策去官忙》
  • Cận sự hội nguyên – phốc đầu cân tử 《近事会元·幞头巾子》của Lý Thượng Giao (李上交) thời Tống cho biết ở thời kỳ này, bức cân là trang phục của dân thường – nguyên văn 《今 宋 朝 … 幅巾,賤者之服》
  • Vào thời Minh, đội bức cân đi kèm với mặc thâm y (深衣), tức áo giao lĩnh màu trắng có viền cổ, tay và vạt áo màu đen.
  • Ở bán đảo Triều Tiên, do chịu ảnh hưởng của nhà Minh, bức cân được ưa chuộng, nhưng chủ yếu ở các nho sinh và các bé trai, còn giới sĩ đại phu thì ít dùng hơn.

Bức cân tại Việt Nam

Bức cân tại Việt Nam

Hầu hết các tư liệu thư tịch của Việt Nam từ thời Trần trở về trước hầu như đã bị tiêu tán gần hết, không còn có thể chứng thực được. Ghi chép sớm nhất về Bức cân được tìm thấy trên một bản ghi thời nhà Hồ ghi một sự kiện thời Trần:

Thanh Hư động ký《清虛洞記》 Nguyễn Phi Khanh chép vào năm Xương Phù thứ 8 (1384) nhắc rằng: “Đầu bịt Bức cân, lững thững bên đèo…” – Nguyên văn:《幅巾倘佯以登乎岩之上。岫煙島霞….》

Tuy nhiên ghi chép trên chỉ cho thấy khái niệm ” bức cân” của Trung Hoa được lưu hành tại nước Việt ta trễ nhất vào thời đại nhà Trần, thuật ngữ bức cân có thể đã xuất hiện sớm hơn thời Trần, và hình thức khăn buộc đầu tương tự “Bức cân” của Trung Hoa đã có từ rất lâu trước đó, dù không thể kiểm chứng được.

Phục sức bức cân tiếp tục được sử dụng và ghi chép lại đến các triều đại Việt Nam sau đó:
● Các ghi chép thời Lê:

Vũ trung tùy bút – Quyển thượng – Quan lễ《雨中隨筆•卷上•冠禮》của cụ Phạm Đình Hổ có ghi chép rằng: “Bức Cân dùng Phương Cân gấp lại mà thành, cụ thể xem Gia lễ….” – Nguyên văn:《幅巾製用方巾折摺為之詳見家禮…》.

“Tục nước ta không dùng mũ Truy bố, nhưng nếu muốn che tóc có thể dùng mũ Bao đính, có lúc lại đội bức cân” – Nguyên văn:《我國無緇布冠而包頂亦所以斂髮或時戴幅巾》.

Đối với nhà sĩ thứ thì mũ Bát Tiên và Bức Cân là Công phục….” – Nguyên văn:《士庶之家則八仙巾幅巾皆公服也》
● Các ghi chép thời Nguyễn
《Petit dictionnaire français-annamite》giải nghĩa: “Bandeau s m. Khăn bịt đầu, (Bức cân.)”.
Vào thời Lê, phục sức Bức cân được xem là một loại công phục (Trang phục trang trọng của nho sĩ và dân gian), có thể thấy quan niệm của nước ta khá tương đồng với Trung Hoa, xem Bức cân là một phụ kiện tao nhã, trang trọng, được sử dụng nhiều bởi các bậc nho sĩ, học giả và người dân trong dịp trang trọng, và cũng được dùng như phục sức khâm liệm thời nhà Nguyễn.
Một vài loại mũ khác có sự tương đồng với bức cân như Mũ Bát Tiên, Mũ Bao Đính, Mũ Ni….; Chúng đều có một lá phủ vải ở sau gáy, có thể gây nhầm lẫn với nhau.

Bài viết có thể giúp bạn trả lời được câu hỏi: Người Việt xưa đội mũ gì ? chưa ?
Bài viết: Quý Tín
Tài liệu tham khảo:

Trung Quốc cổ đại phục sức nghiên cứu (中國古代服飾研究) – tác giả Tạ Trung Nhất – Nhậm Lệ Phong

Trung quốc y quan phục sức đại từ điển (中國衣冠服飾大辭典 ) – tác giả Chu Tấn – Cao Xuân Minh

Hàn Quốc phục sức văn hoá sự điển (韓国服飾文化事典) – tác giả Kim Young-sook (金英淑)

Thuyết văn《说文》của Bằng Lương Trân (冯良珍)

Lễ ký 《禮記》

• Ngàn năm áo mũ – tác giả Trần Quang Đức

•Bài viết: Phổ Ngạn
Nguồn: Nam Phong Viện

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *