Võng Cân (網巾) – Mũ bịt đầu thời xưa ở Việt Nam

Võng Cân (網巾) – Mũ bịt đầu thời xưa ở Việt Nam

I. KHÁI NIỆM VÀ KẾT CẤU

Võng Cân/Vọng Cân (網巾), Võng Tử (網子), hay khăn lưới, khăn bịt đầu, Mạng Cân (命巾) theo cách gọi người việt, là tên gọi một loại phụ kiện, phục sức đội đầu bắt nguồn và thịnh hành vào thời nhà Minh, và được tiếp thu sử dụng bởi các nước vùng văn hóa Á Đông.

Võng cân thời Minh và Triều Tiên

Tuy nhiên trên thực tế, các hình thức khăn mũ sử dụng chất liệu vải lưới đã xuất hiện tại Trung Quốc từ rất sớm trước đó. Sau khi lập nên nhà Minh, Chu Nguyên Chương ra quy định toàn dân Trung Nguyên không phân sang hèn phải đội võng cân, dần đưa nó thành một trong những loại phụ kiện điển hình phổ biến thời nhà Minh từ trong dân gian đến hệ thống y phục bá quan triều đình.

• Tam tài đồ hội《三才圖會》chép: “Quốc triều mới định thiên hạ, muốn cải cách phong tục hồ cũ, bèn lấy tơ kết lại thành lưới để vấn tóc, gọi là võng cân” – Nguyên văn:《國朝初定天下,改易胡風,乃以絲結網以束其發,名曰網巾》

Võng cân có kết cấu như một dạng túi tròn đan bằng vải lưới làm từ chất liệu tơ đen, lông đuôi ngựa,, mép được viền lại bằng dải vải gọi là Biện tử (邊子) trông như một dạng túi lưới, ngoài ra còn một dạng võng cân có đường bao nhỏ không may liền, chỉ che ở phần trán, gọi là Lãn thu võng (懶收網). Khi đội , dùng dây buộc thắt nút lại, hoặc xỏ vào Cân hoàn (巾環) nằm ở hai bên trán để cố định võng cân, giữ cho phần tóc trên đầu gọn gàng, thuận lợi khi làm việc hoăc đội mũ.

II. VÕNG CÂN TẠI VIỆT NAM

Minh hoạ Võng cân

Quá trình du nhập võng cân từ Trung Quốc sang Việt Nam có lẽ diễn ra từ khá sớm thông qua giao lưu văn hóa giữa hai nước hoặc học tập dựa trên các quy chế nhà Minh của triều đình Việt Nam đương thời. Tuy nhiên ghi chép sớm nhất chỉ còn sót lại tương đối sơ sài vào thời Lê Trung Hưng
• Du Hiên Tùng Bút《輶軒叢筆》chép năm 1696 có tả rằng: “thấy mũ Phốc Đầu, Võng cân, đai áo bèn chỉ trỏ cho là kiểu cách tuồng chèo. Tục rợ Hồ thay đổi con người ta đến mức phải ta thán như vậy đấy” – Nguyên văn:《見襆頭網巾衣帶便皆指為倡優樣格胡俗之移人一至浩歎如此》

ghi chép chi tiết hơn về võng cân mới dần xuất hiện vào thời kì nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn thông qua chế độ trang phục triều đình nước ta, và một phần trong dân gian vẫn còn duy trì việc sử dụng võng cân qua các ghi chép và mô tả như:

• Hoàng Thanh chức cống đồ《皇清職貢圖》miêu tả trang phục người dân An Nam: “Đầu thắt võng cân, chân đi hài đỏ” – Nguyên văn:《頭束網巾足著赤履….》

• Yên Hành Kỷ chép về phái đoàn triều Tây Sơn: “quốc vương đầu chít Võng cân, đội Thất Lương Kim quan” – Nguyên văn:《則王頭匝網巾戴七梁金冠….》

• Yên hành lục tuyển tập chép về phái đoàn triều Tây Sơn đi sứ: “Quan An Nam búi tóc cao dùng Võng cân” – Nguyên văn:《安南高髻網布….》

• Loan Dương lục chép về phái đoàn triều Tây Sơn đi sứ: “Võng cân tết bằng tơ, kết lưới quá thưa, lại không thắt chặt” – Nguyên văn:《網巾以絲結之其網太疏又不能緊裹》

Trong điển chế nhà Nguyễn, võng cân là loại phục sức được sử dụng rất phổ biến trong hầu hết quy chế y phục triều đình như Thường phục, Triều phục, lễ phục…. để hỗ trợ cho quá trình đội các thể thức mũ miện trở nên thuận tiện hơn

• Đại Nam quấc âm tự vị《大南國音字彙》giải nghĩa: “Cái Võng Cân , thì là một cái dải thắt mặt lưới để mà bịt ngang trán làm cho vén tóc”

Quy định lễ phục hoàng đế: “khảm một hạt pha lê lấp lánh. Võng cân một chiếc,sức bốn khuyên bạc…” – Nguyên văn:《釘銀花一嵌晶光玻璃 一粒網巾一飾銀圈四….》

• Quy định về triều phục hoàng đế: “Phàm long nhãn đều khảm các hạt trân châu nhỏ. Võng cân sức 4 khuyên vàng” – Nguyên văn:《凡龍眼嵌細小珍珠粒網巾飾金圈四》

Nhìn chung, kết cấu võng cân thời Tây Sơn và Nguyễn dựa trên hình thái Lãn Thu võng cân thịnh hành sau thời Minh trung mạt kỳ chủ yếu chỉ che phần trán người đội với công dụng gi, hai đầu võng cân bóp lại và phình ra ở giữa, vải lưới được đan bằng lông đuôi ngựa, trong đó võng cân nhà Nguyễn được cố định bằng hình thức thắt nút dây và không sử dụng cân hoàn như Trung Quốc và Triều Tiên:

• “Dưới mũ được đặt một loại băng đô, bằng lông ngựa, đầu mút có hai dây buộc, để bao quanh đầu và giữ tóc. Gọi là Vọng Cân (辋巾)” – Nguyên văn:《Sous le bonnet se place une sorte de bandeau, en crins, terminé par deux attaches, qui enserre la tête et maintient lachevelure. C’est le vọng cân 網巾》

Như vậy, võng cân chính là một loại khăn có tác dụng giữ tóc cho gọn gàng. Loại khăn này xuất hiện từ thời Minh và được phổ biến rộng rãi trong xã hội Trung Hoa và Triều Tiên. Ở Việt Nam, võng cân được tìm thấy trong các ghi chép và tranh vẽ thời kỳ trước Nguyễn và đặc biệt phổ biến như là một loại khăn thiết yếu trong triều phục thời Nguyễn. Từ đó có thể khẳng định được sự tồn tại của dạng khăn này trong lịch sử phục trang của nước ta. Phổ biến là vậy, nhưng võng cân ở mỗi nước lại có những cách may cũng như kiểu dáng không hoàn toàn giống nhau. Vậy nên cần có những nghiên cứu chuyên sâu về kiểu dáng cũng như cách thức may loại khăn này để có thể tái tạo một cách chính xác nhất chiếc võng cân của nước ta cũng như tạo nên sự khác biệt với các nước còn lại.

•Bài viết: Phổ Ngạn / Nam Phong Viện

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *