
Ngói sen và ngói tráng men trên bộ mái kiến trúc thời Lý Trần
Ở bài đăng trước, sau khi giới thiệu mô hình “Cổng thời Trần”, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều câu hỏi về loại ngói được lợp trên mái công trình. Trong bài viết này, để giải đáp các thắc mắc cũng như chia sẻ một cái nhìn khách quan đúng đắn hơn về hình thức ngói lợp mái thời Lý Trần, chúng tôi xin trình bày về ngói vảy – ngói sen và các loại ngói tráng men được sử dụng trong kiến trúc Lý Trần.

Ngói vảy, Ngói sen
Qua các tài liệu chữ viết và khảo cổ, chúng ta biết được rằng “ngói vảy” đã xuất hiện ngay từ thời Lý. Trong văn bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (1125) viết: “Thiềm huy hân sí, ngoã điệp bài lân” 簷翬掀翅 瓦疊排鱗, nghĩa là “mái hiên bay cao như cánh chim, ngói xếp bày như vảy cá”. Trong Thiệu Long tự bi (1126) cũng có câu: ”liên ngoã vạn tằng lân tự, hiểu lộ tích tích nghi châu” 蓮瓦萬層鱗似 暁露滴滴疑珠, nghĩa là “ngói sen ngàn lớp tựa vẩy cá, sương sớm giọt giọt ngỡ hạt châu”. Hay trong Hưng Phúc tự bi (1324) thời Trần viết: “Phật điện cái dĩ liên ngoã” 佛殿蓋以蓮瓦, tức là Phật điện lợp bằng ngói sen[1]. Như vậy, đương thời người ta gọi “ngói vảy” là “ngói sen” (liên ngoã) và ví nó xếp lớp như vảy cá.

Tuy nhiên cũng phải nói, các loại ngói vảy – ngói sen thời Lý, Trần khai quật được cho đến nay rất đa dạng về hình dáng chủng loại, đặc biệt là thời Trần. Có loại được tạo hình cánh sen, có loại lại mang dáng mũi nhọn… Các nhà khảo cổ cũng dùng nhiều tên gọi khác nhau để định danh các loại ngói này, như ngói mũi nhọn, ngói mũi tròn, ngói mũi lá, ngói sen đơn, ngói sen kép… Để thống nhất và đơn giản về danh xưng, từ bây giờ chúng tôi gọi chung những loại ngói vảy này là ngói sen.
Thời Lý ngói sen chủ yếu được sử dụng trong kiến trúc tôn giáo như chùa chiền, song song với đó là sự phổ biến của ngói âm dương (ngói ống và ngói phẳng). Sang thời Trần, ngói sen dần trở nên phổ biến hơn và chiếm đa số hiện vật khai quật được ở thời đại này, xuất hiện trên nhiều quy mô kiến trúc khác nhau, đa dạng về hình dáng, kích thước.
Ngói tráng men
Các loại ngói âm dương, ngói sen ở cả thời Lý và thời Trần chủ yếu là loại ngói đất nung có màu đỏ cam, độ nung thấp và không tráng men. Tuy vậy, cũng theo các ghi chép lịch sử và hiện vật khảo cổ cho thấy, thời Lý Trần đã phổ biến việc sử dụng các loại gạch ngói xây dựng cung điện, chùa tháp có tráng men xanh, men trắng và men vàng.

Thiên Phúc tự hồng chung minh văn (1109) có nhắc đến sự tồn tại của một loại ngói gọi là “bích ngõa” (ngói xanh) trong câu “thải tử kỉ mộc, đào bích ngõa lô” 採梓杞木 陶碧瓦爐, tạm dịch là “tìm chọn gỗ quý, nung lò ngói xanh”[2].
Trong Việt sử lược (VSL) và Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) lần đầu nhắc đến ngói “ngân ngoã” – ngói bạc và “kim ngoã” – ngói vàng khi mô tả cung điện của nhà Tiền Lê ở Hoa Lư. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1121) viết về việc xây dựng đài Chúng Tiên thời Lý Nhân Tông có câu: “cấu Chúng Tiên tam cấp chi bảo đài, ngân ngõa điệp nhi quang chiếu khung mân” 構眾仙三級之寶臺 銀瓦疊而光照穹旻, nghĩa là “xây đài Chúng Tiên ba cấp, ngói bạc trùng điệp chiếu rọi vòm xanh”. VSL chép việc xây sửa đài Chúng Tiên đời Lý Anh Tông (1162) cũng nói lợp kim ngõa ở tầng trên và ngân ngõa ở tầng dưới. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế và kỹ thuật, việc sử dụng vàng hay bạc để sản xuất ngói dường như là không thể, do đó ngân ngõa và kim ngõa ở đây nhiều khả năng phiếm chỉ loại ngói được phủ men trắng và men vàng. Liên quan đến loại ngói này, ĐVSKTT cho biết năm 1105, tại chùa Diên Hựu xây hai tòa tháp mái trắng – “bạch manh tháp” 白薨㙮. Sùng Thiện Diên Linh tháp bi gọi hai tháp của chùa Diên Hựu là “lưu ly bảo tháp”. Trong Doanh tạo pháp thức, cuốn sách kinh điển về kiến trúc Trung Hoa soạn thời Tống, thì ngói lưu ly được định nghĩa là ngói phủ men. Như vậy, tháp mái trắng mà ĐVSKTT nhắc đến là tháp lợp ngói phủ men trắng[3].
Tóm lại, ngói sen đã được sử dụng phổ biến thời Lý Trần, đặc biệt là thời Trần, cùng với ngói âm dương. Ngói có hai dạng, ngói không tráng men và ngói tráng men, với các màu men xanh, trắng và vàng. Nhằm tạo ra hiệu ứng thị giác mới mẻ và có cái nhìn chính xác về hình thái kiến trúc thời Lý Trần, trong mô hình “cổng thời Trần” lấy cảm hứng từ chiếc cổng mô hình ở Bảo tàng Nam Định, chúng tôi quyết định sử dụng ngói sen phủ men trắng theo đúng phong cách kiến trúc thời Trần, mang bộ mái và hệ kết cấu khung gỗ của thời Trần.
Thêm hình ảnh về mái ngói thời Lý Trần:


Tài liệu tham khảo:
[1] [2] [3] Phạm Lê Huy, “Cấu kiện và kỹ thuật kiến trúc thời Lý – Trần nhìn từ tư liệu chữ viết đồng đại”.
Đinh Khắc Thuân, “Văn bia chữ Hán Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến thời Trần”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Thơ văn Lý Trần”, NXB Khoa học Xã hội.
Bài viết của Huyền Tinh Tác Đấu