Chùa Dạm – Ngôi chùa đại danh lam thời Lý

Chùa Dạm – Ngôi chùa đại danh lam thời Lý

Nhà Lý là một triều đại sùng chuộng Phật giáo, trong hơn hai trăm năm tồn tại đã xây dựng rất nhiều chùa tháp lớn nhỏ trên toàn cõi Đại Việt lúc bấy giờ. Vào thời Lý, chùa không chỉ là nơi tu hành của các nhà sư, mà nhiều khi còn kiêm chức năng làm hành cung của nhà vua. Đời Nhân Tông vào năm 1088, triều đình nhà Lý phân định các chùa chiền trong nước làm ba hạng tiểu danh lam, trung danh lam và đại danh lam, tương ứng với quy mô của chùa.

Nhà Lý còn cho quan văn chức cao kiêm làm chức Đề cử, chức quan quản lý ruộng đất và tài sản của chùa. Bấy giờ nhà chùa có điền nô và kho chứa đồ vật, cho nên đặt chức ấy. Các ngôi đại danh lam thời Lý có thể kể đến như chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) trên núi Tiên Du (Bắc Ninh), chùa Long Đội Sơn (Hà Nam), chùa Chương Sơn (Nam Định)… Chùa Dạm (Lãm Sơn tự) là một trong số những đại danh lam ấy.

Chùa Dạm thời Lý nhìn từ trên cao

Chùa Dạm nằm trên núi Dạm, tên chữ là Lãm sơn hay Đại Lãm sơn, nay thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chùa bắt đầu được xây dựng vào năm Quảng Hựu thứ 2 (1086) thời Lý Nhân Tông.

Các sách Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử lược chép về việc xây dựng chùa Dạm như sau: Ất Sửu (1085), bấy giờ thiên hạ vô sự, Hoàng hậu (ở đây có lẽ là chỉ Thái Hậu Linh Nhân, tức Nguyên Phi Ỷ Lan) đi chơi khắp núi sông, ý muốn xây dựng chùa tháp. (1086) Mùa đông, tháng 11 dựng chùa Đại Lãm Sơn. Tháng 10 năm Quảng Hựu thứ 3 (1087), nhà vua đi Lãm Sơn, ban đêm cùng quần thần ngự tiệc ở trên núi, vua làm thơ “Lãm Sơn dạ yến” hai bài. (1088) Tháng 10, xây tháp ở Lãm Sơn. (1094) Mùa hạ, tháng 4, tháp chùa Lãm Sơn xây xong. Năm Hội Phong thứ 3 (1093), chùa Lãm Sơn xây cất hoàn thành, ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh tự, vua ngự viết biển ngạch bằng chữ triện. Năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 5 (1105), mùa thu, tháng 9 làm hai tháp sứ trắng ở chùa Diên Hựu, làm ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn.

Chính diện chùa Dạm thời Lý

Chùa Dạm gắn liền với vua Lý Nhân Tông và mẹ ông là Thái Hậu Ỷ Lan, hay dân gian còn gọi là bà Tấm. Chùa được xây dựng khi nhà Lý đang ở giai đoạn cực thịnh, ngoài thì phá Tống bình Chiêm, trong thì thiên hạ thái bình lâu dài.

Chùa là một kiến trúc đồ sộ vào hàng bậc nhất trong các ngôi chùa thời Lý, được xây dựng bằng cách khoét vào núi Dạm tạo nên bốn cấp nền, các cấp nền đều được kè đá và có bậc thang dẫn lên. Tam quan chùa nằm ở cấp nền 1, tỏa ra các hành lang nối liền lầu gác khép kín từ cấp nền 1 dẫn lên cấp nền 4.

Ở cấp nền 2 có hai đơn nguyên bao gồm một bệ đá hình vuông đối xứng với một bệ đá hình tròn bao quanh một cây cột đá chạm rồng, chính là cây cột đá chùa Dạm quốc bảo nổi tiếng. Tháp chính của chùa nằm ở trung tâm cấp nền 3, và một Phật điện lớn nằm ở tầng cao nhất cấp nền 4.

Sang thời Trần chùa được đổi tên thành Thần Quang tự, vua Trần Nhân Tông trong bài thơ “Đại Lãm Thần Quang tự” của mình có ca ngợi cảnh chùa như sau:

Thập nhị lâu đài khai họa trục,
Tam thiên thế giới nhập thi mâu.

Dịch nghĩa:

Mười hai tòa lâu đài mở ra bức vẽ
Ba nghìn thế giới thu vào mắt thơ

Cùng ngắm nhìn Đại Lãm Sơn tự thời Lý qua phỏng dựng của Huyền Tinh Tác Đấu, chúng mình sẽ còn phân tích về kiến trúc của ngôi chùa này ở các bài sau.

Tham khảo:

  • Đại Việt sử ký toàn thư.
  • Việt sử lược.
  • Nguyễn Văn Đáp, Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý, 2019.

Diễn họa: Nguyễn Duy

Bài viết: Nguyễn Huy Hoàng

Trình bày: Hiệu Sicula

Nguồn: Huyền Tinh Tác Đấu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *